Sản phẩm, công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Thứ sáu, 9/12/2022 | 14:51 GMT+7
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai lưới điện thông minh nhằm thực hiện 4 mục tiêu chính. Một là giảm tổn thất điện năng, hai là nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ba là nâng cao năng suất lao động và bốn là nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo đó, bên cạnh nội dung trọng tâm là ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa lưới điện thì việc nghiên cứu và áp dụng các phương pháp sửa chữa bảo dưỡng (SCBD) tiến tiến cũng được EVNNPT đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật.

Công tác SCBD tại EVNNPT chủ yếu dựa trên nguyên tắc định kỳ theo thời gian (TBM). Nguyên tắc SCBD định kỳ theo thời gian đến nay không còn phù hợp do: chưa phân biệt rõ các hạng mục SCBD đối với vật tư thiết bị cũ/mới, nhiều trường hợp SCBD không kịp thời (do chưa đến hạn) nên chưa ngăn ngừa được sự cố; công tác bố trí cắt điện chưa tối ưu…

Để khắc phục hạn chế của phương pháp SCBD hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý kỹ thuật lưới điện trên cả phương diện kỹ thuật và kinh tế thì cần thiết phải nghiên cứu áp dụng các phương pháp SCBD tiên tiến. Hiện nay, EVNNPT đang triển khai áp dụng phương pháp bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị hay còn gọi là phương pháp CBM.

Bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị (Condition-Based Maintenance - CBM) là một giải pháp bảo trì tiên tiến theo thời gian thực nhằm giải quyết vấn đề làm sao để lập kế hoạch và theo dõi tốt hơn các quy trình bảo trì tại các thiết bị quan trọng.

Phương pháp CBM xây dựng chiến lược giám sát tình trạng vận hành thực của thiết bị để từ đó đưa ra quyết định cần phải bảo dưỡng những phần nào. Phương pháp CBM quy định việc bảo dưỡng khi chỉ số “sức khỏe” (Condition Health Index - CHI) của thiết bị có dấu hiệu suy giảm và có khả năng xảy ra hư hỏng (CHI là tập hợp các chỉ số thành phần có được thông qua kết quả đánh giá từ các hạng mục thử nghiệm, kiểm tra ngoại quan, dữ liệu vận hành). 

Dữ liệu về tình trạng thiết bị có thể được tổng hợp theo từng thời điểm cụ thể hoặc liên tục. Thiết bị trong tình trạng vận hành tốt không cần thiết phải SCBD thường xuyên như đối với các thiết bị có tình trạng kém hoặc tuổi thọ vận hành bị suy hao. Mục tiêu của việc ứng dụng phương pháp CBM là cho phép thiết bị gần như không xảy ra sự cố trong suốt thời gian vận hành.

Trên thế giới hiện nay, việc áp dụng mô hình bảo trì theo CBM được nhân rộng và đánh giá là ưu điểm hơn các phương pháp bảo trì truyền thống theo thời gian cố định. Để áp dụng thực hiện các công tác bảo trì theo CBM cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân tích các loại lỗi, mức độ ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng FMECA (Failure Modes, Effect and Criticality Analysis) cho các chủng loại thiết bị như (máy cắt, máy biến áp, biến dòng điện, biến điện áp, dao cách ly, chống sét van, cáp ngầm 220kV, compact, GIS, thiết bị trung áp…), xây dựng, tích hợp trên modul CBM trên phần mềm PMIS  từ đó nhân viên quản lý vận hành theo dõi, đánh giá, định lượng bằng chỉ số sức khỏe của thiết bị đang vận hành. Qua đó đề xuất phương án sửa chữa, bảo trì hợp lý, hạn chế những thiệt hại gây ra do hư hỏng thiết bị.

Mục tiêu cốt lõi của CBM là phát hiện và ghi nhận được những dữ liệu dựa trên điều kiện thực tế của thiết bị để làm tiền đề cho việc phân tích và đưa ra các chiến lược bảo trì chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị.

Việc triển khai CBM đòi hỏi phải xây dựng hệ thống ghi nhận và xử lý thông tin, thu thập các giá trị vận hành trong quá khứ, chuẩn hóa giá trị định lượng cho từng chủng loại, trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi online, thiết bị đo, thiết bị giám sát không cần cắt điện.

Bảo trì theo điều kiện CBM sẽ mang lại rất nhiều ưu điểm như: giảm tình trạng hư hỏng thiết bị, giảm chi phí sửa chữa và chi phí nhân công, giảm chỉ số SAIDI; tăng hiệu quả cho việc thực hiện sản xuất kinh doanh được giao; giúp rà soát toàn bộ hệ thống và tất cả các tài sản, thiết bị; thay việc bảo trì định kỳ cứng nhắc bằng việc bảo trì linh hoạt, chủ động hơn…

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Hiện nay, EVNNPT đang áp dụng phương pháp bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo thời gian (Time Based Maintenance – TBM). Các thiết bị sẽ được kiểm tra, thí nghiệm theo định kỳ thời gian nhất định, từ kết quả thí nghiệm và kiểm tra định kỳ sẽ đề xuất thực hiện bảo trì, bảo dưỡng để khôi phục tình trạng vận hành bình thường của thiết bị.

Bên cạnh đó, EVNNPT cũng đã áp dụng một số kỹ thuật giám sát trong quá trình vận hành như kiểm tra PD, chụp ảnh nhiệt, giám sát online… theo dõi thông số vận hành, đặc tính phụ tải, thông số thí nghiệm, theo dõi lý lịch thiết bị. Đây là các thông tin góp phần đánh giá chất lượng thiết bị, đưa ra phương án bảo trì, sửa chữa kịp thời nhằm hạn chế được những sự cố do hư hỏng gây ra. Việc này được thực hiện thường xuyên trong thời gian qua đối với các thiết bị tại các trạm biến áp 220kV và 500kV… để theo dõi, phát hiện các bất thường của thiết bị và lập kế hoạch phương án cắt điện để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Đây bản chất là mô hình CBM.

Để áp dụng mô hình CBM vào thực tế hiện tại, EVNNPT cần phải xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá FMECA đối với từng thiết bị, từ đó áp dụng chung cho toàn Tổng công ty sẽ mang lại nhiều hiệu quả như đã phân tích. Việc áp dụng bảo trì theo CBM sẽ giúp hợp lý hóa công tác sửa chữa bảo dưỡng cả về mặt kỹ thuật và kinh tế, đặc biệt góp phần ngăn ngừa được các sự cố để đảm bảo vận hành an toàn, từ đó nâng cao uy tín của đơn vị và hướng đến sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục với độ tin cậy cao nhất.

Hữu Tuấn