Sức khỏe

Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia đi đầu thế giới về tăng cường sức khỏe bà mẹ

Thứ năm, 10/3/2022 | 08:58 GMT+7
Là 1 trong 6 quốc gia đi đầu thế giới hoàn thành Mục tiêu số 5 về Tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG5), thuộc 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, Việt Nam được đánh giá cao về cải thiện sức khỏe sinh sản, nhất là ở khu vực trung du, miền núi.

Được biết, tỷ lệ sản phụ tử vong ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong vòng ba thập kỷ qua, hiện chỉ còn 46 ca tử vong/100.000 trẻ sinh sống.

Từ năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành MDG5, với tiêu chí giảm 3/4 số ca tử vong ở người mẹ trong giai đoạn 1990 - 2015. Với việc hoàn thành mục tiêu nói trên, Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia đi đầu thế giới hoàn thành Mục tiêu số 5.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, UNFPA hoan nghênh những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới được triển khai toàn diện tại Việt Nam, góp phần xóa bỏ định kiến giới, nâng cao giá trị của phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chính sách trong lĩnh vực này, trong đó có Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006.

Việt Nam nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao giá trị của phụ nữ và trẻ em gái

Bà Naomi Kitahara cũng đánh giá cao thành tựu bình đẳng giới Việt Nam đạt được trong đời sống chính trị, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, so với 26,72% của nhiệm kỳ trước; 65,3% phụ nữ ở độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm - mức cao so với trung bình của nhiều khu vực.

Trưởng đại diện UNFPA nhận định, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội đang thay đổi rõ rệt. Quá trình hiện đại hóa và thành quả của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình và đạt được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực từ xã hội đến kinh tế, chính trị.

Bên cạnh đó, bà Naomi Kitahara cho biết, UNFPA luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công tác đảm bảo và tăng cường sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.

Cụ thể, UNFPA cùng các đối tác đã khởi động một dự án nhằm giảm thiểu tỷ lệ sản phụ là người dân tộc thiểu số tử vong khi sinh nở, với số tiền tài trợ hơn 2 triệu USD và sẽ được thực hiện tới tháng 6/2024. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng nhất nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở các sản phụ dân tộc thiểu số sinh sống tại 6 tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thông qua can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa bằng ứng dụng internet để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, Quốc hội Việt Nam và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt trong việc ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới và các hành vi có hại khác, cũng như đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên, nhân dịp này, Trưởng đại diện UNFPA khuyến cáo Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề bạo lực giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; hỗ trợ hơn nữa phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Bà Naomi Kitahara khẳng định, UNFPA sẽ tiếp tục hành động để Việt Nam trở thành một quốc gia tiềm năng đối với phụ nữ và trẻ em gái với thông điệp “Là con gái để tỏa sáng”.

Minh Khang (T/H)