Sức khỏe

Đẩy nhanh tiêm chủng và phân bổ công bằng vaccine phòng Covid-19

Thứ tư, 9/3/2022 | 16:26 GMT+7
Ngày 9/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới vẫn chưa kết thúc và có thể kéo dài hơn nữa do tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân phối vaccine.

Cụ thể, trong bài phát biểu của mình, ông Antonio Guterres nêu rõ: “Những con số bi thảm nhất trong đại dịch này là tổn thất về sức khỏe và sinh mạng của hàng triệu người, với hơn 446 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, hơn 6 triệu người đã tử vong và vô số người khác bị sút giảm sức khỏe tinh thần".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận rằng, nhờ có các biện pháp y tế cộng đồng chưa từng thấy, cũng như sự phát triển vaccine và triển khai tiêm phòng nhanh ngoạn mục, nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng đại dịch đã kết thúc.

Do đó, ông lưu ý, việc phân phối vaccine một cách bình đẳng là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể, trong khi 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất hàng tháng, đủ cho bao phủ vaccine toàn cầu thì vẫn có gần 3 tỷ người vẫn đang chờ được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đây là hậu quả trực tiếp của các quyết định chính sách và ngân sách ưu tiên sức khỏe cho người dân không bình đẳng ở các nước giàu và các nước nghèo. Theo đó, ông kêu gọi toàn thế giới cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch và vĩnh viễn khép lại chương buồn này của lịch sử nhân loại.

Tăng cường phân bổ công bằng vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu

Trước đó, ngày 8/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố rằng WHO ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận khẩn cấp và rộng rãi với mũi vaccine tăng cường ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan trên toàn cầu.

Theo tuyên bố, nhóm chuyên gia của WHO cho rằng miễn dịch được tạo ra khi dùng các loại vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép mang lại sự bảo vệ cao trong phòng ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong.

WHO khuyến nghị các nước thực hiện tiêm mũi vaccine tăng cường khi có nguồn cung phù hợp và sau khi bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Tuyên bố nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng phòng bệnh, bao gồm mũi tăng cường, đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bệnh trở nặng.

Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, tiêm mũi vaccine tăng cường bằng các vaccine đã được cấp phép giúp khôi phục miễn dịch vốn giảm dần sau các mũi tiêm cơ bản, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các chương trình tiêm tăng cường ở các nước cho thấy, mũi vaccine tăng cường giúp chặn đà tăng số ca nhiễm biến thể Omicron và giảm số ca nhập viện cũng như tử vong.

WHO cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình lây lan biến thể Omicron trên thế giới, trong đó có dòng phụ BA.2 - được ghi nhận gây ra những ca tái nhiễm ở một số người đã nhiễm Omicron.

Các nghiên cứu khác nhau về Omicron đưa ra những kết quả trái chiều về việc biến thể này có gây bệnh nặng hay không, tuy nhiên các vaccine hiện nay dường như hiệu quả đối với biến thể này.

Có thể nói, việc tiếp cận, bao phủ và tiêm mũi vaccine tăng cường rất cần thiết cho sức khỏe con người trước đại dịch Covid-19. Do đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và WHO kêu gọi cần đẩy nhanh việc tiêm chủng và công bằng trong phân bổ vaccine để cùng nhau đẩy lùi đại dịch.

Gia Linh