Văn hóa, du lịch

Việt Nam tham dự phiên họp phát triển du lịch cộng đồng của Liên Hợp Quốc

Thứ sáu, 17/6/2022 | 09:10 GMT+7
Mới đây, đoàn Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp cao toàn cầu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) về du lịch cộng đồng.

Hội nghị cấp cao toàn cầu của UNWTO là dịp để các cơ quan nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm về việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng; chia sẻ lợi ích đồng đều giữa các bên tham gia; trao quyền và giúp các cộng đồng địa phương phát triển bền vững, tạo ra sinh kế lâu dài.

Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ quản lý du lịch, Cơ quan du lịch quốc gia các nước thành viên UNWTO, các tổ chức quốc tế, chuyên gia đầu ngành du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo du lịch của nhiều quốc gia.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/6/2022, bao gồm phiên khai mạc, phát biểu đề dẫn và phiên thảo luận cấp cao, các hội thảo chuyên đề về du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.

Phiên thảo luận cấp cao về du lịch cộng đồng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao toàn cầu của UNWTO

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký UNWTO nhận định, hội nghị được tổ chức vào thời điểm quan trọng khi các thị trường nguồn khách trọng điểm dần mở cửa và các hạn chế đi lại đang được dỡ bỏ. Nhu cầu đi du lịch bị dồn nén trong hai năm vừa qua đang được giải phóng và sẽ mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn, đòi hỏi ngành du lịch toàn cầu chuẩn bị sẵn sàng cho mọi trường hợp có thể xảy đến.

Tổng Thư ký UNWTO cũng nhấn mạnh 5 ưu tiên của UNWTO trong giai đoạn hiện nay bao gồm: đổi mới và chuyển đổi số; đầu tư và khởi nghiệp xanh; đào tạo và tạo việc làm; nâng cao khả năng phục hồi, đẩy mạnh thông tin thị trường và tạo điều kiện đi lại; bảo vệ di sản xã hội, văn hóa và môi trường bền vững.

Tại hội nghị, một số Bộ trưởng du lịch, tổ chức quốc tế đã tham gia phiên thảo luận cấp cao về du lịch cộng đồng để cùng chia sẻ về các xu hướng mới sau đại dịch và các yếu tố cần thiết phát triển cộng đồng thịnh vượng, đồng thời bảo vệ được các lợi ích và giá trị của địa phương.

Cụ thể, đại diện của nước chủ nhà Maldives cho biết, quốc đảo này nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng đắt đỏ và sang trọng, vì vậy việc thay đổi chiến lược quảng bá để hướng tới nhiều đối tượng khách cho phân khúc du lịch cộng đồng còn nhiều thách thức; tuy nhiên theo xu hướng chung của giới trẻ mong muốn di chuyển và khám phá nhiều hơn, hiện nay các mô hình du lịch cộng đồng và homestay đang dần được triển khai tại nước này.

Đối với Nicaragua, du lịch là ngành quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân và góp phần bảo tồn bản sắc, văn hóa và di sản địa phương vì vậy, Chính phủ nước này ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tiếp cận với tài chính và đầu tư, được đào tạo về công nghệ và quảng bá số.

Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo năng lực để người dân địa phương trở thành những “người kể chuyện” và có các chính sách phù hợp khuyến khích người trẻ tuổi ở lại địa phương và tham gia vào ngành du lịch, thay vì dịch chuyển tới các thành phố lớn.

Trong khi đó, Indonesia tập trung vào các chương trình cấp chứng nhận bền vững môi trường cho doanh nghiệp và điểm đến du lịch cộng đồng, thời gian gần đây tăng cường đào tạo cho cộng đồng về các quy trình, thủ tục mới bảo đảm an toàn sức khỏe trước đại dịch Covid-19.

Về phía Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Việt Nam đã mở cửa từ ngày 15/3. Hiện nay, các yêu cầu nhập cảnh vào Việt Nam cơ bản đã thông thoáng như trước đại dịch. Bên cạnh những chính sách thúc đẩy mở cửa du lịch quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch, một số động lực đẩy mạnh hiệu quả phục hồi ngành du lịch đã được Việt Nam triển khai. Trong đó, tập trung nâng cao độ bao phủ vaccine; triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt trong quá trình mở cửa du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành và địa phương để triển khai thí điểm và sau đó là mở cửa hoàn toàn với các điều kiện an toàn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá với chiến dịch “Live fully in Vietnam” và hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn.

Mỹ Dung (T/H)