Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15-25%. Tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (tính đến trạm Kratie - Campuchia) khoảng 83 tỷ m3, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 2,5 tỷ m3.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Phân tích về lượng mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hoàng Văn Đại cho rằng, từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-40%. Mùa mưa tại khu vực có khả năng kết thúc muộn, trong những tháng mùa khô có thể xuất hiện mưa trái mùa. Cụ thể, tổng lượng mưa tại thượng lưu sông Mê Công phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-30%, riêng tháng 9-10/2021 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.
Trung lưu sông Mê Công tổng lượng mưa tháng 9/2021 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 10-11/2021 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, từ tháng 12/2021-2/2022 tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%.
Hạ lưu sông Mê Công từ tháng 10/2021-1/2022, tổng lượng mưa đều có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%, riêng tháng 9/2021 và tháng 2/2022, tổng lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đối với tình hình lũ năm 2021 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Hoàng Văn Đại, đỉnh lũ năm 2021 tại đầu nguồn sông Cửu Long (trạm Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang) dao động ở mức báo động 1 và xuất hiện muộn (khoảng giữa tháng 10/2021); mực nước đỉnh lũ các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và thường xuyên cập nhật thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và bảo đảm đời sống, sản xuất trong khu vực trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Theo số liệu thống kê, hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 đã xảy ra nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2016 với ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57 km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm tới 24 km. Vào tháng 1/2020, xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng, lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66 km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17 km. Vào tháng 2/2020, ranh mặn 4g/lít lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110 km. Tháng 5/2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4g/lít sâu khoảng 130 km trên sông Vàm Cỏ Tây và giảm độ mặn vào tháng 6.
Hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 42.000 ha lúa Đông Xuân, trong đó mất trắng 26.000 ha. Trên đất lúa-tôm, hạn mặn đã làm cho khoảng 16.500 ha lúa mùa ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại, trong đó mất trắng là 14.000 ha. Đối với cây ăn trái, hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại khoảng 25.000 ha, trong đó khoảng 11.000 ha bị thiệt hại trên 70%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.