Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng mạnh

Thứ năm, 4/2/2021 | 23:51 GMT+7
Trong tháng 1/2021, lượng mưa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm nghiêm trọng, tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề hơn.

Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, trong tháng đầu tiên của năm 2021, vùng Hạ lưu sông Mê Công hầu như không có mưa, lượng mưa sụt giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tất cả 4 phân vùng thuộc Hạ lưu vực sông Mê Công có lượng mưa trung bình chỉ ở mức 4mm, chỉ riêng vùng Vân Nam (Trung Quốc) thuộc Thượng lưu sông Mê Công xuất hiện mưa trung bình khoảng 8mm, nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) tới 39%.

Theo số liệu thực đo tại trạm Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước giảm nhanh từ 2,8m ngày 3/01/2021 xuống 1,9m vào ngày 04/01/2021. Tương ứng với mực nước, lưu lượng nước tại Chiềng Sẻn trong tháng 01/2021 giảm mạnh, ở mức 2,9 tỷ m3, đạt khoảng 70% giá trị TBNN và tương đương với tổng lượng dòng chảy cùng kỳ năm 2020.

Số liệu thực đo tại trạm Kra-chê (Campuchia) cho thấy, trong tháng 01/2021 mực nước tiếp tục giảm từ 8m xuống mức khoảng 7m. Đến cuối tháng 01/2021 mực nước thực đo tại trạm Kra-chê thấp hơn so với giá trị cùng kỳ của TBNN gần 0,7m và nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,5m.

Lưu lượng dòng chính sông Mê Công qua trạm Kra-chê trong tháng 01/2021 cũng giảm dần từ 4.500m3/s xuống 2.700m3/s. Tổng lượng dòng chảy giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 85% TBNN, nhưng vẫn lớn hơn tổng lượng cùng kỳ năm 2020 khoảng 23%.

Mực nước và lưu lượng dòng chảy giảm có tác động mạnh mẽ đến tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Theo số liệu quan trắc, mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (An Giang) tháng 1/2021 biến đổi theo triều và giảm từ khoảng 1,7m xuống còn 1,2m. Tổng lưu lượng trung bình ngày về ĐBSCL của Việt Nam qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc giảm từ 7.500m3/s xuống còn khoảng 5.000m3/s. Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc tháng 01/2021 chỉ còn khoảng 17 tỷ m3, đạt khoảng 90% so với TBNN nhưng vẫn lớn hơn giá trị cùng kỳ năm 2020 khoảng 40%.

Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng cho biết, do dòng chảy về ĐBSCL bị sụt giảm mạnh và chế độ triều bất lợi nên hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển tăng mạnh. Đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trong tháng 01 trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây đều vào sâu hơn so với cùng kỳ TBNN từ 5km đến 9,5km, nhưng ít hơn so với giá trị tháng 01/2020 từ 23km đến 33km.

Dựa trên kết quả đó, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam dự báo diễn biến tài nguyên nước tới ĐBSCL trong tháng 2/2021 sẽ vẫn ở mức thấp. Tổng lượng dòng chảy đến ĐBSCL đạt khoảng 90% TBNN.

Mực nước ngày lớn nhất tại trạm Tân Châu trong tháng 2/2021 dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 1m đến 1,4m theo chế độ triều, thấp hơn giá trị cùng kỳ TBNN khoảng 10%.

Tổng lưu lượng trung bình ngày trong tháng 2/2021 tới ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo sẽ giảm dần từ 5.500m3/s xuống khoảng 3.500m3/s. Tổng lượng dòng chảy tháng 2/2021 qua hai trạm này dự báo sẽ ở mức khoảng 11 tỷ m3, đạt 90% TBNN và lớn hơn so với cùng kỳ năm 2020 khoảng 30%.

Trên cơ sở kết quả dự báo dòng chảy về ĐBSCL và dự báo triều tháng 2/2021, đường ranh mặn 1g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây dự kiến vào sâu hơn từ 3 - 8km so với giá trị TBNN cùng kỳ nhưng ít hơn so với tháng 2/2020 từ 21 - 28km. Tương tự, đường ranh mặn 4g/l trên ba nhánh sông vào sâu hơn so với giá trị cùng kỳ TBNN từ 4 - 15km, và ít hơn so với tháng 2/2020 từ 13 - 17km.

Khánh Huyền