Sức khỏe

6 thói quen khi nấu ăn gây hại cho cơ thể nhiều người mắc phải

Thứ ba, 15/9/2020 | 12:45 GMT+7
Chế biến thức ăn giúp thực phẩm trở nên ngon miệng và tăng giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Thế nhưng có những thói quen trong quá trình nấu nướng lại vô tình gây hại tới sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Để dầu ăn nóng đến bốc khói khi chiên, xào

Nhiều người có thói quen đun nóng dầu trong chảo rồi mới cho rau vào để giữ hương vị tươi ngon, nguyên bản của thực phẩm. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm bởi khi dầu ăn đun sôi ở nhiệt độ 200 độ C sẽ sản sinh các chất độc như benzopyrene. Đây là nhân tố gây bệnh ung thư đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận và khuyến cáo nên loại bỏ khỏi chế độ ăn.

Mặt khác, rau xanh khi ở trong dầu nóng ở nhiệt độ quá cao sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe, đặc biệt có thể dẫn tới bệnh tim mạch, ung thư. 

Bởi vậy, hãy bắt đầu chiên xào khi dầu nóng vừa, không nên chờ cho tới khi dầu bốc khói rồi mới cho đồ vào.

Bảo quản và rã đông thịt sai cách

Thói quen tích trữ thịt trong ngăn đá tủ lạnh để ăn trong thời gian dài không chỉ làm thịt mất đi độ tươi ngon tự nhiên mà còn gây biến chất, rất có hại cho cơ thể. Thời gian tối đa bảo quản thịt ở ngăn đá tủ lạnh nên là 1 tuần.

Có rất nhiều cách để rã đông thực phẩm như cho thịt vào nước nóng, lò vi sóng hoặc rã đông ở nhiệt độ phòng… Những cách làm trên đều không được khuyến khích bởi khi rã đông ở nhiệt độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến sự khuếch tán nhiệt trong miếng thịt, tạo cơ hội cho các vi trùng, vi khuẩn có cơ hội phát triển. Còn rã đông ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và làm thịt bị biến chất dễ gây bệnh tật.

Cách rã đông đúng nhất là chuyển thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát và chờ khi tan đá thì chế biến ngay.

Dùng dầu đã qua chế biến để nấu tiếp

Việc giữ lại lượng dầu thừa sau quá trình chế biến thức ăn để tránh lãng phí chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư cho cơ thể. Theo các chuyên gia, dầu ăn tái sử dụng sẽ sản sinh ra các chất độc như aldehyde, benzopyrene dẫn tới ung thư.

Vì vậy, sau khi nấu nướng, bạn nên loại bỏ lượng dầu thừa. Mặt khác, đồ chiên rán bán ngoài đường cũng được chế biến qua dầu ăn chiên đi chiên lại và dầu được đun ở nhiệt độ cao, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ những loại thức ăn này. 

Sử dụng lại chảo đã nấu để nấu tiếp món mới

Để tiết kiệm thời gian và công sức, không ít người nội trợ có thói quen tận dụng luôn chảo vừa chiên rán để tiếp tục nấu món khác. 

Trên thực tế, đây là một thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Mỡ, dầu và phần thức ăn còn thừa trước đó sẽ bị đun nóng lần nữa ở nhiệt độ cao sẽ gây sản sinh benzopyrene - tác nhân gây ung thư đã đề cập trước đó.

Thêm vào đó, mùi vị của đồ ăn mới cũng bị ảnh hưởng bởi món trước đó. Do vậy, đừng vì tiết kiệm chút ít thời gian mà gây hại sức khỏe bản thân và gia đình. Hãy rửa sạch và lau khô nồi, chảo cũ trước khi nấu món mới.

Tắt ngay máy hút mùi sau khi nấu

Máy hút mùi có tác dụng hút khói, khử mùi rất tốt. Quá trình xào nấu sẽ sinh ra một lượng lớn các chất có hại và máy hút mùi có nhiệm vụ loại bỏ các chất đó, giữ cho không gian phòng bếp luôn thông thoáng.

Trên thực tế, máy hút mùi cần có thời gian mới khử được hết mùi thức ăn nên nếu lập tức tắt ngay máy mùi sau khi chế biến thì mùi thức ăn vẫn sẽ lưu lại trong bếp.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo sau khi xào nấu xong bạn nên để máy hút mùi hoạt động thêm 3 - 5 phút nữa để đảm bảo các chất có hại được khử đi hoàn toàn. Ngoài ra, nên mở cửa sổ để giữ phòng bếp thông thoáng khi xào nấu, làm như vậy cũng giảm thiểu được các chất có hại lưu lại trong bếp.

Nướng cháy thịt, rau củ, bánh mì

Thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như nướng sẽ sản sinh ra độc tố gây hại cho cơ thể, đặc biệt là đồ ăn bị nướng cháy. Thịt, bánh mì, rau củ nướng cháy có thể sản sinh ra độc tố gây ung thư cực kỳ nguy hiểm.

Thịt bị nướng cháy sẽ xuất ra nhiều HCAs gây ung thư khi tích tụ ở nồng độ cao. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người ăn nhiều các loại thịt được nấu chín ở nhiệt độ rất cao có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy hơn 60% so với những người khác.

Rau củ nướng quá lâu không những ăn không ngon, mà nhiệt độ cao còn làm phân hủy hầu hết vitamin có trong chúng đồng thời tăng nguy cơ tích tụ những chất gây ung thư có trong vết cháy và khói.

Bánh mì, khoai tây nướng cháy có chứa một chất độc đáng chú ý là acrylamide. Acrylamide có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều tinh bột khi bị nướng cháy cũng chứa một lượng nhỏ HCAs gây hại.

Thanh Bảo (t/h)