Sức khỏe

Cẩn trọng khi sử dụng những loại rau củ chứa axit oxalic gây hại cho sức khỏe

Thứ tư, 9/9/2020 | 16:17 GMT+7
Không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng việc nạp thường xuyên axit oxalic vào cơ thể là nguyên nhân chính gây nên bệnh sỏi thận và làm giảm quá trình hấp thụ canxi.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, axit oxalic (muối oxalat) là axit hữu cơ với tính axit khá mạnh, gấp khoảng 10 nghìn lần axit acetic.

Ở điều kiện thường, axit oxalic tồn tại ở dạng tinh thể, dễ tan trong nước tạo dung dịch không màu, có vị chua. Ở liều cao, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất có thể có khả năng gây ngộ độc cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong.

Sự kết hợp của axit oxalic với canxi tạo ra canxi oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan, mật, tụy… hoặc đọng lại ở các khớp xương. Vì vậy các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân sỏi thận nên tránh hoặc hạn chế ăn uống các thực phẩm có chứa axit oxalic.

Một số loại rau, củ, quả có chứa axit oxalic

Axit oxalic có thể tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm rau, củ, quả mà chúng ta hấp thụ hàng ngày như khế, chanh, nho, me, củ cải đường, ca cao, cải bó xôi, lá chè, cải thìa, cần tây... Cách dễ nhận biết khi ăn thực phẩm chứa axit oxalic là có vị chua, chát.

Trong đó, các loại củ, quả chứa axit oxalic bao gồm: đậu xanh, tiêu xanh, cà chua, cà rốt, cà tím, khoai lang, quả bí, đậu bắp, củ cải đường, cây mù tạc… Rau cần tây, cải thìa, rau diếp, cải bó xôi, rau dền đỏ, bồ công anh, rau chân vịt... cũng hàm chứa nhiều axit oxalic.

Do vậy, khi sử dụng các thực phẩm giàu axit oxalic, cần chú ý tăng cường uống nước để tăng đào thải.

Thực hiện các biện pháp sơ chế, chế biến có tác dụng làm giảm axit oxalic như ngâm, rửa, chần, rang… phù hợp với đặc tính của từng nguyên liệu thực phẩm để vừa giữ được hương vị tươi ngon vừa đảm bảo sức khỏe cho cơ thể.

Gia Linh (T/H)