Sức khỏe

Ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022

Thứ hai, 24/1/2022 | 11:11 GMT+7
Mới đây, Bộ Y tế đã có Quyết định số 165/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022.

Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022 là căn cứ để Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và đầu tư kinh phí để chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện.

Đồng thời, góp phần giảm 5 - 10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đánh giá tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, các bệnh dịch lưu hành phổ biến trên thế giới tiếp tục được khống chế tốt ở nước ta. Tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vaccine tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao.

Nước ta cũng tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc gia tăng cục bộ tại một số địa phương vào các tháng cao điểm, bệnh sởi ghi nhận rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố, nhưng không thành ổ dịch tập trung cũng đã được can thiệp giải quyết kịp thời, tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn.

Việt Nam kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến trên thế giới

Trong năm 2021, Việt Nam cũng ghi nhận đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đây là đợt dịch tiến triển mạnh mẽ nhất, gây lây lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch và đang triển khai hiệu quả chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và khả năng tăng nhanh trong thời gian vừa qua cùng với biến chủng Omicron mới, các Bộ, ngành, địa phương cần huy động nhiều nguồn lực và lực lượng hỗ trợ ngành y tế tăng cường cho công tác phòng chống dịch. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch cũng như thực hiện thành công Chương trình Phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 – 2023.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, kế hoạch nêu rõ, cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.

Đẩy mạnh đào tạo và ứng dụng dịch tễ học với mục tiêu tăng cường năng lực của y tế dự phòng Việt Nam nhằm đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời các dịch bệnh, nhanh chóng kiểm soát bệnh dịch và giải quyết các vấn đề y tế công cộng góp phần nâng cao sức khỏe của người dân thông qua việc triển khai đào tạo cán bộ có chất lượng. Củng cố các hoạt động mạng lưới chương trình đào tạo về dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam.

Dự báo tình hình dịch bệnh và xây dựng kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, đặc biệt với các dịch bệnh nguy hiểm nhằm chủ động ứng phó trong các tình huống khác nhau có hiệu quả nhất và giảm tối đa tác động và thiệt hại do dịch bệnh.

Thanh Tâm