Bản tin môi trường số 17/2022

Thứ hai, 9/5/2022 | 08:08 GMT+7
Ban Chỉ đạo dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VNSIPA) đã vừa họp tổng kết hoạt động năm 2021 và thông qua đề xuất Kế hoạch thực hiện đến tháng 3/2023.

Tổng kết công tác thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Dự án VNSIPA do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) hỗ trợ trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2023. Dự án nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH).

Cuộc họp tổng kết hoạt động dự án VNSIPA năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 đến tháng 3/2023

Với sự hỗ trợ tích cực của dự án VNSIPA, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công tác ứng phó với BĐKH. VNSIPA còn hỗ trợ xây dựng kế hoạch thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025; rà soát các chính sách hiện tại của ngành xây dựng Việt Nam đối với các nội dung liên quan đến BĐKH và tăng trưởng xanh để đề xuất các nội dung lồng ghép vào các văn bản, chính sách, pháp luật chuẩn bị được ban hành trong thời gian tới.

Ở cấp độ địa phương, dự án VNSIPA nghiên cứu về phương pháp thu thập và phân tích thông tin tổn thất và thiệt hại trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam Wert Burner chia sẻ: VNIPSA là dự án chủ chốt của Đức tại Việt Nam, với cách tiếp cận đa bên nhằm xây dựng nền tảng để thực hiện các mục tiêu ứng phó BĐKH trong trung hạn và dài hạn, can thiệp bằng biện pháp giảm nhẹ và thích ứng có thể đo lường hiệu quả, hỗ trợ phi carbon hóa nền kinh tế quốc dân.

Tăng cường quản lý thiên tai khu vực ASEAN

Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức diễn đàn Xu hướng và dự báo quản lý thiên tai ASEAN nhằm thảo luận các phương pháp tiếp cận thích ứng trong quản lý thiên tai khu vực.

Diễn đàn thuộc chương trình Nền tảng nghiên cứu và phát triển Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC), do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN.

Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong công tác quản lý thiên tai

Giám đốc Nhóm quản lý Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN Naoki Minamiguchi khẳng định, diễn đàn nhằm hỗ trợ ASEAN giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai trong khu vực thông qua hợp tác. Đặc biệt trong nâng cao các công cụ chính sách và các phương pháp sáng tạo về quản lý thiên tai.

Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng kiến Phát triển khả năng phục hồi (RDI) đã được trình bày, trong đó nêu bật mối quan hệ tương tác phức tạp giữa các hiểm họa khí hậu, khả năng xảy ra thiên tai, tính chất dễ bị tổn thương và vấn đề quản lý thiên tai. Để ứng phó với những hiểm họa này, RDI cho rằng ASEAN cần có các phương pháp tiếp cận thích ứng mới để quản lý thiên tai. Trong đó, phương pháp tiếp cận kỹ thuật số là tối ưu và hiệu quả nhất để giải quyết các lỗ hổng trong quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Các đại biểu tham gia diễn đàn cũng cùng thảo luận về vấn đề bản địa hóa quản lý rủi ro thiên tai trong ASEAN, qua đây khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung và phổ biến rộng rãi các chiến lược bản địa hóa, cũng như xây dựng lộ trình bản địa hóa trên quy mô khu vực và quốc gia.

Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới trong quản lý tài nguyên nước bền vững

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan tổ chức hội nghị bàn tròn về Chương trình Nước quốc gia.

Tại hội nghị, bà Jennifer Sara, Giám đốc toàn cầu về lĩnh vực tài nguyên nước của WB đánh giá, tài nguyên nước của Việt Nam khá dồi dào, là yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nền tảng vững chắc này hiện đang đứng trước rủi ro do quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và công nghiệp hóa.

Đảm bảo an ninh nguồn nước và năng suất sử dụng nước thông qua hỗ trợ của WB

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng động, Việt Nam cần phải giải quyết những thách thức quan trọng liên quan đến nguồn nước như: quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn cả về số lượng và chất lượng; nâng cao năng suất sử dụng nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tạo dựng khả năng chống chịu trước BĐKH hiện nay và trong tương lai; giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời cần một cách tiếp cận quốc gia với sự vào cuộc của tất cả các ngành liên quan đến nguồn nước và các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Chương trình Nước quốc gia do WB triển khai sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh nguồn nước và năng suất sử dụng nước thông qua 3 trụ cột chính: duy trì nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; tăng năng suất và hiệu suất sử dụng nguồn nước; đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân.

Lâm Bảo