Bản tin môi trường số 19/2022

Thứ hai, 23/5/2022 | 08:54 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. 

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Hiệp định về Đối tác đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên. 

Bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

Do đó, để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim, chỉ thị nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong việc rà soát, đề xuất hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng.

Bộ TN&MT cũng có trách nhiệm phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, các vùng chim di cư quan trọng và điểm dừng chân của chúng tại Việt Nam; phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả chỉ thị này.

Phát huy hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường

Ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tham gia và phát biểu tại Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực môi trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ ra rằng, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong nghiên cứu, triển khai KH&CN trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể: thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học trong nghiên cứu triển khai đề tài; các nghiên cứu về giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách; thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính phục vụ nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học…

Khắc phục tồn tại và đưa ra giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực môi trường

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, thúc đẩy phát triển KH&CN của lĩnh vực môi trường trong thời gian tới, ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT nhấn mạnh, định hướng về KH&CN trong lĩnh vực môi trường của Bộ TN&MT sẽ tập trung tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong điểu kiện hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về 0.

Tập huấn công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ MTTQ và cộng đồng dân cư.

Sự kiện nhằm mục tiêu trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ Mặt trận các cấp nắm vững và tuyên truyền vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.

Tập huấn công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ MTTQ

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Bộ TN&MT, lãnh đạo Sở TN&MT của 5 tỉnh gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum tham dự trực tiếp; đại diện lãnh đạo Sở TN&MT của 35 tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.

Tại hội nghị, các đại biểu được lắng nghe, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cơ quan của Bộ TN&MT và các Sở TN&MT, đại biểu Mặt trận các cấp, nhất là đại biểu ở khu dân cư với những kinh nghiệm, cách làm rất cụ thể, thiết thực, hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, tập trung cụ thể hóa 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất đề ra trong chương trình phối hợp như: tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phối hợp; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong đề xuất, phản biện xã hội, góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý; phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng...

Minh Khang