Bản tin môi trường số 25/2023

Thứ hai, 10/7/2023 | 10:24 GMT+7
Mới đây, Cao ủy Liên Hợp Quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.

Liên Hợp Quốc cảnh báo mối nguy hại của biến đổi khí hậu

Tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Volker Turk cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống. Theo số liệu chính thức, trong năm 2021, có hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng thì số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.

Biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại

Theo đó, ông Volker Turk nhấn mạnh, giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau. Hiện nay, nhân loại có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này. 

Bên cạnh đó, cần chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch để giảm lượng phát thải khí CO2. Ông Volker Turk cho rằng, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra ở Dubai vào tháng 11 và 12 tới phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp thay đổi hành động của các quốc gia trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.  

Ngoài ra, Cao ủy LHQ về nhân quyền cũng cảnh báo nguy cơ từ các hành vi "tẩy xanh" xuất phát từ lòng tham con người, từ đó kêu gọi các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng trên. 

Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với phát triển kinh tế bền vững

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT, phục vụ phát triển bền vững đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để BVMT. Hoạt động BVMT hướng tới thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ một số nhiệm vụ chính trong công tác BVMT hiện nay gồm: gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn những khu vực có cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng; từng bước phục hồi những khu vực bị suy giảm chất lượng, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển; chủ động phòng ngừa để phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường; phát triển BVMT thành ngành kinh tế mới thông qua phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi môi trường.

Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng cần cập nhật các xu thế mới của thế giới về giảm phát thải khí nhà kính; xử lý, tái sử dụng 100% nước thải; thể chế hóa nội dung Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Luật BVMT năm 2020…

Tập huấn cho doanh nghiệp về kiểm kê khí nhà kính

Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vừa tổ chức Hội thảo tập huấn tuyên truyền phổ biến một số nội dung về biến đổi khí hậu theo Luật Bảo vệ môi trường. Hội thảo nhằm tuyên truyền các quy định về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính và tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đây, các doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng phó biến đối khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường triên khai lộ trình 2 giai đoạn: từ nay - 2025 và từ 2026 - 2030. Trong đó, doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải có kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải cho giai đoạn từ 2026 – 2030.

Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nêu rõ, hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà. Ngoài trách nhiệm kiểm kê và giảm phát thải, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia thị trường carbon và có thể đem về nguồn thu mới.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Công ty TNHH Máy và Thiết bị công nghiệp hóa chất – môi trường Mecie (Mecie Việt Nam) đã chia sẻ về cách thức kiểm kê, quy trình kiểm kê khí nhà kính và những công nghệ doanh nghiệp cần nắm vững. Đồng thời đưa ra các giải pháp tính toán kiểm kê một cách tự động hóa trên nền tảng website, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức thực hiện.

Đại diện hơn 100 doanh nghiệp đã cùng thực hành tính toán lượng phát thải khí nhà kính; thảo luận, trao đổi cùng các chuyên gia về những vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo, kiểm kê.

Bảo An (t/h)