Bản tin môi trường số 9/2021

Thứ hai, 23/8/2021 | 10:52 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Chuẩn bị tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Đề án nhằm bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương hiện đang rất cấp bách

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể gồm: xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán; thiết lập cơ chế điều phối; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia.

Trong đó, nhiệm vụ huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế được hướng dẫn thực hiện nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới về ô nhiễm nhựa đại dương; tăng cường năng lực cho các cán bộ có liên quan đến công tác đàm phán. Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối tác giữa khu vực Chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và rác thải nhựa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuẩn bị đàm phán.

Còn nhiệm vụ tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia cũng được nhấn mạnh thực hiện nhằm chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng, đàm phán song phương, đa phương với những đóng góp cụ thể của Việt Nam, bảo đảm quyền lợi và phù hợp điều kiện của Việt Nam; đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Các điểm bùng phát khí hậu ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu

Một báo cáo mới được công bố trên tạp chí khoa học Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng, việc vượt quá ngưỡng của điểm bùng phát (tipping point) do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự gia tăng các tác động tới kinh tế.

Theo đó, tám điểm bùng phát được nhóm tác giả mô tả trong các tài liệu khoa học là: sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dẫn đến phản ứng carbon, gây phát thải thêm carbon dioxide và metan; sự phân rã của các hydrat metan trong đại dương dẫn đến phát thải thêm khí metan; băng tan ở Bắc Băng Dương dẫn đến thay đổi lực bức xạ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ấm lên toàn cầu; cháy rừng nhiệt đới Amazon giải phóng carbon dioxide; dải băng Greenland tan chảy làm mực nước biển dâng; dải băng Tây Nam Cực tan chảy làm mực nước biển dâng; sự chậm lại của dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương điều chỉnh mối quan hệ giữa nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu và nhiệt độ bề mặt trung bình quốc gia; sự thay đổi của gió mùa mùa hè ở Ấn Độ.

Dải băng Greenland tan chảy làm mực nước biển dâng

Nhóm nghiên cứu cho biết, đối tượng được đưa ra nghiên cứu bao gồm các thiệt hại khí hậu cấp quốc gia do nhiệt độ tăng cao và mực nước biển dâng ở 180 quốc gia. Trong kịch bản chính của các tác giả, ước tính những rủi ro xảy ra ở các điểm bùng phát trên sẽ làm tăng khoảng 25% thiệt hại về kinh tế so với những dự báo trước đó.

Tuy nhiên, các tác giả cũng nhấn mạnh, kết quả cho kịch bản chính của họ có thể vẫn còn thấp hơn so với thực tế, các điểm bùng phát có thể làm tăng rủi ro thiệt hại hơn nhiều. Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng, có 10% khả năng các điểm bùng phát làm tăng ít nhất gấp đôi thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu và còn có khả năng tăng gấp ba lần thiệt hại.

Hà Nội ban hành kế hoạch về phòng, chống thiên tai đến năm 2030

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Cụ thể, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đến năm 2030 là giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ cũng như thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020.

Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trước thiên tai

Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.

Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực; cơ quan chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai thành phố hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng, chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.

Thanh Bảo