Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 2/2023

Thứ hai, 9/1/2023 | 08:00 GMT+7
Bộ Công Thương đặt mục tiêu phát triển ngành sản xuất điện theo hướng tăng trưởng xanh với định hướng chiến lược tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Phát triển ngành sản xuất điện theo hướng tăng trưởng xanh

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, mục tiêu tổng quát giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.

Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo theo hướng tăng trưởng xanh trong đó áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Phát triển ngành sản xuất điện theo hướng tăng trưởng xanh với định hướng chiến lược tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp

Về nhiệm vụ, Bộ định hướng phát triển ngành sản xuất điện theo hướng tăng trưởng xanh với định hướng chiến lược tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Xây dựng và ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng mới như hydrogen xanh, thu hồi lưu giữ và tái sử dụng carbon; nghiên cứu phát triển vật liệu, công nghệ mới để chuyển tải, lưu trữ năng lượng.

Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo; thúc đẩy việc thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia trình cấp có thẩm quyền quyết định; xem xét tham gia Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) để thúc đẩy các hoạt động chuyển dịch năng lượng, huy động các nguồn vốn cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng…

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, kế hoạch nêu ra một số giải pháp như: đề xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ về giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ năng lượng mới, năng lượng sạch như hydrogen xanh, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng, tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ năng lượng mới, thu hồi, lưu giữ và tái sử dụng carbon trong điều kiện của Việt Nam…

Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Theo Quyết định số 2756/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với các mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện

Xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất điện. Nghiên cứu, đề xuất quy định hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các quy định về phát triển hệ thống sạc điện phục vụ phương tiện giao thông vận tải. Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch và các nhiệm vụ đã giao tại Quyết định số 626/QĐ-BCT ngày 5/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Động thổ dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1

Mới đây, Lễ động thổ Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 diễn ra tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng và là dự án điện gió thứ 6 được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1 có tổng công suất 50MW, với tổng cộng 13 tuabin gió. Đơn vị chủ đầu tư dự kiến sẽ bắt đầu lắp đặt thiết bị vào tháng 10/2023 và đưa vào vận hành thương mại vào tháng 12/2024. Sản lượng điện hàng năm vào khoảng 173.000 MWh.

Chủ đầu tư - Công ty TNHH Asia Energy (trụ sở tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là công ty con của Tập đoàn Super Energy Thái Lan.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và đại diện chủ đầu tư thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà máy điện gió Asia Đắk Song 1

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá dự án khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Lê Trọng Yên yêu cầu chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện đầu tư xây dựng công trình bảo đảm tiến độ. Thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan về đầu tư xây dựng, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình theo đúng quy hoạch, theo thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đất đai, cây cối, hoa màu, nhà cửa của người dân.

Ngân Hà