Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 32/2020

Thứ hai, 17/8/2020 | 08:34 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

EVN tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc về ĐMTMN

Gần đây, EVN có văn bản số 4971/EVN-KD ngày 23/7 đề nghị Bộ Công Thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn xử lý vướng mắc về việc phân biệt giữa hệ thống ĐMTMN và điện mặt trời (ĐMT) mặt đất nối lưới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số nhiều vướng mắc liên quan đến ĐMTMN do đó, đến ngày 10/8, EVN tiếp tục có văn bản số 5398/EVN-KD đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, giải quyết vướng mắc đối với các hệ thống ĐMTMN.

Theo đó, EVN cho biết, vướng mắc lớn hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định là loại hình ĐMTMN: trường hợp các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng có sẵn (trụ sở, nhà máy, trường học, trung tâm thương mại, khu công nghiệp…) thì đảm bảo quy định ở Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án ĐMT có công suất dưới 01 MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp thì cơ sở để xác định có phải là ĐMTMN chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

EVN tiếp tục tìm cách giải quyết vướng mắc về ĐMTMN

Bên cạnh đó, việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon, lưới hoặc bản thân tấm pin thay thế mái nhà…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ…) trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể. Nhiều dự án lắp đặt trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại, có mục đích chính là để sản xuất ĐMT nhằm hưởng giá bán điện dành cho ĐMTMN. Một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới, sau đó có lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để được công nhận là ĐMTMN.

Do các hướng dẫn để xác định là dự án ĐMTMN chưa rõ ràng như trên, các tổng công ty điện lực/công ty điện lực rất khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Thực tế có một số hệ thống ĐMTMN được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 01 MW (mỗi dự án < 01 MW) tại cùng 01 địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) của 01 chủ đầu tư và đấu nối tại 01 điểm hoặc nhiều điểm. Trường hợp này có được xem là ĐMTMN để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư không và có cần giấy phép hoạt động điện lực không?

Trường hợp một chủ đầu tư có nhu cầu mua lại cụm hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau trên cùng mảnh đất, có tổng công suất trên 01 MW. Vậy sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư có phải bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không?

Đối với trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu… trong khuôn viên dự án ĐMT, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư năng lượng mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua điện cho các phần lắp thêm như hệ thống ĐMTMN. Trường hợp này có được thực hiện mua bán điện riêng không?

Kinh doanh bán điện mặt trời có phải thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không và cần phải làm thủ tục bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư hiện hành không?

Thêm vào đó, quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…); về quản lý xây dựng, đất đai… cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực khi thực hiện các hướng dẫn về ĐMTMN. Ví dụ: Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND quận Tân Phú, TPHCM không cho phát triển ĐMTMN trên các công trình nhà ở riêng lẻ trong khi chờ Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM hướng dẫn, quy định về xây dựng và an toàn của hệ thống ĐMTMN. Hay Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang yêu cầu các hệ thống ĐMTMN trên các nhà xưởng khu công nghiệp phải có thẩm tra phê duyệt thiết kế. Trong khi đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa yêu cầu báo cáo xin ý kiến Ban quản lý trước khi thỏa thuận đấu nối hoặc ký hợp đồng mua bán điện của các dự án ĐMTMN trong khu công nghiệp. UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu công ty điện lực chỉ thoả thuận với các hệ thống ĐMTMN khi đã có điểm đấu nối hiện hữu tại thời điểm thỏa thuận. Tại cụm có 2 công trình trở lên thì khi thỏa thuận đấu nối cho công trình thứ 2 trở đi phải có cột điện hiện hữu của công trình trước đó.

Về vướng mắc về kỹ thuật: EVN cho biết, Thông tư 39/2015/TT-BCT và Thông tư 30/2019/TT-BCT chỉ quy định yêu cầu kỹ thuật đối với nhà máy ĐMT đấu nối lưới điện trung áp trở lên và hệ thống ĐMT đấu nối lưới điện hạ áp, chưa có quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới điện trung áp. Nếu các hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới điện trung áp phải áp dụng yêu cầu kỹ thuật đối với nhà máy ĐMT đấu nối vào lưới điện trung áp trở lên theo các Thông tư nêu trên thì sẽ không khả thi và rất khó khăn cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các vật tư thiết bị của hệ thống ĐMT để đảm bảo hiệu suất, chất lượng điện năng cũng như quy chuẩn về an toàn cho công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ cho hệ thống ĐMTMN. Chưa có quy định cụ thể về lắp đặt thiết bị đóng cắt, thiết bị bảo vệ, nối đất, chống sét cho công trình, điều khoản giám sát, ngừng/giảm công suất phát của dự án ĐMTMN theo lệnh của chỉ huy điều độ trong trường hợp sự cố hoặc quá tải lưới điện.

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lắp đặt ĐMTMN

Dó đó, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhất là đối với ĐMTMN, EVN kiến nghị và đề xuất Bộ Công Thương một số nội dung sau:

Xem xét, hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống ĐMTMN và hệ thống ĐMT nối lưới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện đối với các hệ thống ĐMT theo đúng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các hệ thống điện mặt trời công suất đến 01 MW, đấu nối vào cấp điện áp dưới 35 kV, có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái hoặc không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất; các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện lên lưới của EVN qua máy biến áp 110 kV được ghi nhận là ĐMTMN để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ĐMTMN và EVN sẽ thực hiện ký hợp đồng, thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư theo Quyết định 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời với công suất ≤ 01 MW thì được công nhận là ĐMTMN.

Đối với các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất > 01 MW, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thoả thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường...

Cho phép tổng công ty điện lực/công ty điện lực chỉ thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện đối với các hệ thống ĐMTMN mà không gây quá tải trạm biến áp 110 kV khu vực.

Bổ sung quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới điện trung áp trong các Thông tư 39/2015/TT-BCT và Thông tư 30/2019/TT-BCT cho phù hợp với thực tế, đảm bảo khả thi cho các chủ đầu tư.

Chỉ đạo các Sở Công Thương thống nhất quy định, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lắp đặt ĐMTMN.

EVNSPC: Sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong tháng 7/2020 là 317,93 triệu kWh

Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong tháng 7/2020 của Tổng công ty là 317,93 triệu kWh, chiếm 4,83% so với sản lượng điện nhận toàn hệ thống.

Theo báo cáo của EVNSPC, đến cuối tháng 7/2020, 51 nhà máy điện mặt trời đã đóng điện với tổng công suất lắp đặt là 2.559,35 MWp tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và An Giang (tăng 3 nhà máy điện mặt trời so với tháng 5 (Nhà máy điện mặt trời: Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 và Phước Ninh) tương ứng với tổng công suất 156,1 MWp). Sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong tháng 7/2020 là 317,93 triệu kWh, chiếm 4,83% so với sản lượng điện nhận toàn hệ thống. Tổng sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời 7 tháng đầu năm 2020 là 1.933,50 triệu kWh, chiếm 4,35% tổng lũy kế điện nhận toàn hệ thống.

Đến cuối tháng 7/2020, trên địa bàn quản lý của EVNSPC, 51 nhà máy điện mặt trời đã đóng điện với tổng công suất lắp đặt là 2.559,35 MWp

Về phát triển điện mặt trời mái nhà, trong tháng 7/2020, toàn Tổng công ty lắp đặt công tơ 2 chiều với 2.246 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 57.280 kWp. Lũy kế đến hết tháng 7/2020 là 8.781 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 247.750 kWp, đạt 71% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao (là 350 MWp). Sản lượng khách hàng phát lên lưới trong tháng 7/2020 là 29,24 triệu kWh, lũy kế đến tính đến ngày 29/7/2020 là 155,84 triệu kWh. Đến hết tháng 7/2020 toàn Tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời mái nhà cho 4.159 khách hàng với sản lượng điện thanh toán là 93,34 triệu kWh, tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng là 212,74 tỷ đồng (trong năm 2020, sản lượng điện thanh toán là 44,71 triệu kWh, tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng là 104,4 tỷ đồng).

Chuẩn bị tuabin cho giai đoạn 2 dự án điện gió Hòa Bình 1 tại Bạc Liêu

Hãng Vestas vừa giành được thêm đơn đặt hàng 50 MW cho giai đoạn 2 của trang trại điện gió Hòa Bình 1 tại Bạc Liêu. Hiện hãng này dẫn đầu thị trường năng lượng gió tại Việt Nam với tổng công suất đã và đang xây dựng đạt hơn 1 GW.

Kể từ lần trúng thầu giai đoạn 1 vào tháng 12 năm ngoái, Vestas đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Phương Anh (chủ đầu tư dựa án) để tối ưu hóa giai đoạn 2 này của dự án. Đơn đặt hàng này đánh dấu dự án điện gió gần bờ thứ 8 của Vestas tại Việt Nam.

Dự án được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, nơi các tuabin sẽ được lắp đặt ở vùng nước nông gần bờ dọc theo khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hợp đồng bao gồm cung cấp và giám sát việc lắp đặt 13 tuabin gió V150-4,2 MW với 10 tuabin được giao với công suất 3,8 MW và 3 tuabin được giao với công suất 4 MW để tối ưu hóa sản lượng điện trong các điều kiện gió cụ thể của khu vực lắp đặt. Việc lắp đặt tuabin dự kiến hoàn thành vào quý III/2021.

Ảnh minh họa

Dự án cũng bao gồm một hợp đồng dịch vụ Active Output Management 5000 (AOM 5000) trong vòng 20 năm, được thiết kế để tối đa hóa sản lượng điện cho dự án. 

Ông Clive Turton, Chủ tịch Công ty Vestas - châu Á Thái Bình Dương cho biết: "Việc trúng thầu các dự án với tổng công suất hơn 1 GW tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho niềm tin của khách hàng vào khả năng phát triển các giải pháp năng lượng gió của Vestas đối với tất cả các loại dự án điện gió tại Việt Nam. Tôi muốn cảm ơn Tập đoàn Phương Anh đã giao cho chúng tôi thực hiện cả 2 giai đoạn của dự án này và chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn để đảm bảo hoàn thành dự án thành công và đúng tiến độ".

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phương Anh Đào Hải Linh chia sẻ: "Trên cơ sở hợp tác thành công cho giai đoạn 1 và nay là giai đoạn 2 của dự án Hòa Bình 1 với giải pháp tin cậy, Tập đoàn Phương Anh sẽ tiếp tục hợp tác với Vestas để phát triển các dự án sắp tới của chúng tôi".

PV