Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 41/2020

Thứ hai, 19/10/2020 | 09:40 GMT+7
Tại TPHCM, Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) mới đây đã ra mắt sản phẩm Easy Solar – giải pháp tài chính chuyên biệt dành cho các khách hàng có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Easy Solar - giải pháp tài chính chuyên biệt cho khách hàng lắp đặt ĐMTMN

Easy Solar là gói sản phẩm được thiết kế chuyên biệt dành riêng cho các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực ĐMTMN. Đồng hành cùng khách hàng trong quá trình xây dựng và đáp ứng nhu cầu nguồn vốn bị thiếu hụt khi triển khai dự án, Easy Solar còn cam kết hỗ trợ tư vấn các gói dịch vụ như bảo hiểm, đánh giá kỹ thuật, môi trường xã hội… tạo nên một giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện.

Gói tín dụng này hướng đến những khách hàng có nhu cầu đầu tư ĐMTMN được triển khai trong năm 2020 và các năm tiếp theo trên phạm vi toàn quốc với điều kiện tín dụng đặc biệt cạnh tranh, nhất là đối với nhóm cán bộ công nhân ngành điện có nhu cầu lắp đặt hệ thống.

EVNFinance ký hợp tác toàn diện với EVNHCMC trong việc cung cấp giải pháp tài chính lắp đặt ĐMTMN

Theo đó, khách hàng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất ưu đãi và được tư vấn, kết nối với các nhà thầu có uy tín trong lĩnh vực ĐMTMN thông qua quy trình nhanh gọn, thủ tục đơn giản.

Qua nền tảng EVNSOLAR (solar.evn.com.vn), người vay sẽ được sử dụng dịch vụ “Một cửa – Một chính sách”, với sự tham gia phối hợp của nhiều bên như tổ chức tín dụng, chủ mái, nhà thầu, các đơn vị điện lực… trên cùng một nền tảng hiện đại, thân thiện, tin cậy.

Đại diện EVNFinance chia sẻ: “Việc ra mắt sản phẩm Easy Solar không chỉ thể hiện tinh thần đóng góp với vai trò là một nhân tố tích cực trong nền tảng EVNSOLAR mà còn nhằm cung cấp giải pháp tài chính toàn diện, tài trợ lắp đặt ĐMTMN cho đông đảo khách hàng. Từ đó, EVNFinance góp phần thúc đẩy xã hội hóa và tăng cường lan tỏa đối với hoạt động này”.

Đây cũng là một hoạt động nằm trong định hướng phát triển xanh và bền vững của EVNFinance, trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong khuôn khổ sự kiện, EVNFinance cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC). EVNFinance cam kết hỗ trợ cán bộ công nhân viên trực thuộc Tổng công ty và cán bộ công nhân viên ngành điện tiếp cận gói tín dụng cùng mức lãi suất ưu đãi cùng sự đồng hành tin cậy trong suốt chặng đường sử dụng sản phẩm.

Khánh thành dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam

Lễ khánh thành dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đã diễn ra tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Trungnam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại văn bản số 831/UBND-KTTH ngày 18/3/2020 và Quyết định chủ trương đầu tư số 79/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Trungnam Group khởi công dự án từ giữa tháng 5/2020 và đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án trong quý IV/2020.

Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW là một dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện quốc gia. Dự án được Trungnam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; quy mô thực hiện gồm nhà máy điện mặt trời 450 MW, trạm biến áp 500kV và hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW

Với mục tiêu thực hiện dự án trong 102 ngày, Trungnam Group đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 45 ngày đầu tiên; cùng với hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai thi công xuyên suốt ngày đêm trên diện tích 557,09 ha để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh – tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỷ kWh) sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ. 2 trạm biến áp của dự án với tổng công suất 1.800MVA kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung Bộ.

Dự án bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống điện quốc gia

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW có một số ý nghĩa quan trọng: góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia; đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, tránh tình trạng giảm phát; cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, dự án bổ sung hơn 1 tỷ kWh điện mỗi năm vào hệ thống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác, bảo vệ môi trường. Quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.

Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW được xem là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng và nhận được sự đồng thuận đa phương từ Trung ương đến các cấp chính quyền. 

Lễ gắn biển công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 

Tại Ninh Thuận, mới đây, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Lễ gắn biển Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 – công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 (50MWp) và đường dây đấu nối có tổng mức đầu tư 1.113 tỷ đồng do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 3 (EVNPMB 3) thay mặt quản lý dự án. 

Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại văn bản số 356/TTg-CN ngày 9/3/2017. UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 26/12/2017.

Dự án động thổ ngày 26/9/2019. Ngày 8/7/2020, công trình được đưa vào vận hành. Lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia đến nay là 21 triệu kWh. 

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1

Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 được xây dựng với mục tiêu bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống. Bên cạnh đó, dự án còn là tiền đề cho các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 (tổng công suất 150MWp). Bên cạnh đó, trạm biến áp 220kV trong dự án còn thu gom công suất các nhà máy điện mặt trời lân cận để hòa vào lưới điện quốc gia.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN cho biết: "Với tinh thần quán triệt sâu sắc về Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh ưu tiên cao hơn cho phát triển năng lượng tái tạo, công trình Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 đã được Ban Thường vụ Đảng ủy EVN lựa chọn và công nhận là công trình được gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. 

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 3 Nguyễn Vinh Quang, quá trình triển khai dự án bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực thi công tại công trường cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, được sự quan tâm sát sao của tỉnh Ninh Thuận cũng như Đảng ủy EVN, lãnh đạo EVN, Ban Quản lý dự án Điện 3 đã sớm hoàn thành dự án. 

Ngân Hà