Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 43/2021

Thứ hai, 8/11/2021 | 09:15 GMT+7
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 20 quốc gia và tổ chức vừa tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp tài chính cho năng lượng sạch.

20 quốc gia và tổ chức ưu tiên cung cấp tài chính cho năng lượng sạch

Tại Hội nghị COP26 vừa diễn ra tại Vương quốc Anh, hơn 20 quốc gia và tổ chức, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mali và Costa Rica đưa ra một tuyên bố chung cam kết chấm dứt cung cấp tài chính công quốc tế trực tiếp cho than, dầu và khí đốt vào cuối năm 2022 và ưu tiên cung cấp tài chính cho năng lượng sạch. 

Sau làn sóng cam kết chấm dứt tài chính cho than đá quốc tế trong năm nay, đây là cam kết chính trị quốc tế đầu tiên đề cập đến tài chính công cho dầu khí. Nếu được triển khai hiệu quả, sáng kiến này có thể trực tiếp chuyển hơn 15 tỷ USD mỗi năm các khoản hỗ trợ ưu đãi do chính phủ hậu thuẫn từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Và con số đó có thể cao hơn nữa nếu các bên ký kết ban đầu thành công trong việc thuyết phục các đồng nghiệp của họ tham gia.

20 quốc gia và tổ chức tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp tài chính cho năng lượng sạch

Tham gia tuyên bố chung có một số nhà cung cấp tài chính công lớn nhất trong lịch sử cho nhiên liệu hóa thạch như Canada, Hoa Kỳ, Anh và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Tuy nhiên, các nhà cung cấp tài chính lớn khác vẫn chưa tham gia với họ. Các nước đó bao gồm: Nhật Bản (10,9 tỷ USD/năm), Hàn Quốc (10,6 tỷ USD/năm) và Trung Quốc (7,6 tỷ USD/năm). Đây là những nhà cung cấp tài chính nhiên liệu hóa thạch công quốc tế lớn nhất trong G20 và chiếm tổng cộng 46% nguồn tài chính cho nhiên liệu hoá thạch của G20 và MDB. Italia (2,8 tỷ USD/năm) và Tây Ban Nha (1,9 tỷ USD/năm) - một số nhà tài trợ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của EU cũng chưa tham gia.

Tuy nhiên, các nhà vận động hy vọng rằng, tuyên bố chung có thể giúp tăng áp lực lên những quốc gia chưa tham gia ký kết, tương tự như động lực chấm dứt tài chính cho than đá. 

Tasneem Essop, Giám đốc điều hành Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế cho biết: “Việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Thông báo này là một bước đi đúng hướng nhưng phải được nhân rộng hơn với sự tham gia của nhiều chính phủ và các tổ chức tài chính công, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, cùng cam kết chấm dứt cung cấp tài chính cho nhiên liệu hóa thạch. 

Nguồn tài trợ công này cần phải được chuyển hướng khẩn cấp sang một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho các cộng đồng ở Nam bán cầu, hỗ trợ cộng đồng và công nhân ngành than, dầu và khí đốt mà không khiến các quốc gia phải gánh thêm bất kỳ khoản nợ nào”.

Việt Nam và CHLB Đức tiếp tục hợp tác phát triển điện gió

Theo Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức, triển khai nội dung hợp tác trong khuôn khổ “Thỏa thuận khung về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng” giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Siemens CHLB Đức, Siemens Gamesa Renewable Energy (SGRE) vừa ký biên bản ghi nhớ (MOU) với BCG Energy của Việt Nam về việc cung cấp thiết bị, giải pháp kỹ thuật để phát triển điện gió tại Việt Nam.

Lễ ký kết được diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo cấp cao của hai bên.

Siemens Gamesa Renewable Energy (SGRE) là thành viên của Tập đoàn Siemens, CHLB Đức. Đây là hãng cung cấp thiết bị công nghệ điện gió và năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, có 40 năm kinh nghiệm trong ngành năng lượng sạch. SGRE chuyên cung cấp, lắp đặt và bảo dưỡng các tuabin gió, tạo ra hơn 100 GW năng lượng gió, đủ để cung cấp cho 87 triệu hộ gia đình trên khắp thế giới. Riêng tại Việt Nam, SGRE đang cung cấp trang thiết bị và giải pháp kỹ thuật cho 14 dự án điện gió, có tổng công suất 1,17 GW.

BCG Energy – thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, là một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Danh mục các dự án năng lượng tái tạo mà BCG Energy đang đầu tư rất da đạng gồm cánh đồng năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái và điện gió. Mục tiêu của BCG Energy là đạt công suất phát điện 1,5 GW vào năm 2023.

Việt Nam và CHLB Đức tiếp tục hợp tác phát triển điện gió. (Ảnh minh họa)

Theo thỏa thuận ký kết với BCG Energy, SGRE sẽ là đơn vị cung cấp trang thiết bị, các giải pháp kỹ thuật cho BCG Energy để thực hiện lộ trình xây dựng hơn 500 MW điện gió tại Việt Nam trong vài năm tới. Giá trị hợp đồng dự kiến khoảng 400 triệu USD. 

Phía SGRE nhận định, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, có điều kiện khí hậu tự nhiên phù hợp để triển khai các dự án điện gió. 

Trong buổi tiếp và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, đại diện BCG Energy và SGRE đã đề xuất những giải pháp đưa chuỗi cung ứng điện gió về Việt Nam để nâng cao năng lực sản suất. SGRE và BCG Energy cùng cam kết sẽ nỗ lực làm việc với các bên liên quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành công nghiệp điện gió, hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.

T&T Group và Total hợp tác đầu tư 3 tỉ USD phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) đã vừa trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo đó, hai tập đoàn sẽ cùng nhau xem xét các dự án điện mặt trời và điện gió trên đất liền của T&T Group đã vận hành thương mại và đang đầu tư xây dựng nhằm mục đích cho phép Total Eren tham gia sở hữu một phần các dự án được lựa chọn trên cơ sở hợp lý và công bằng, phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group và đại diện Tập đoàn Total Eren (Cộng hòa Pháp) trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Hai bên cũng thống nhất cùng nhau xác định các dự án mới, xem xét tính khả thi về kỹ thuật, tài chính và quy định của các dự án mới với mục đích cùng đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỉ USD.

Total Eren là công ty năng lượng tái tạo đa ngành (thuộc Tập đoàn dầu khí Total của Cộng hòa Pháp - 1 trong 6 công ty dầu khí lớn nhất thế giới) đã tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên toàn thế giới từ giai đoạn phát triển đến xây dựng, vận hành với tư cách là nhà sản xuất điện độc lập (IPP) với các dự án điện gió và mặt trời trên bờ có tổng công suất hơn 3,5 GW đang được xây dựng hoặc hoạt động trên 20 quốc gia.

Ngân Hà