Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 48/2020

Thứ hai, 7/12/2020 | 09:51 GMT+7
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời về vấn đề phát triển điện mặt trời và quy hoạch điện mặt trời được báo chí quan tâm.

Bộ Công Thương thông tin về vấn đề phát triển và quy hoạch điện mặt trời 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, điện năng lượng mặt trời là dạng năng lượng mà chúng ta đang khuyến khích theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia vì họ cũng có quyền lợi khi đầu tư vào hình thức sản xuất điện này.

Lý giải về việc tại sao cần phải bổ sung một số dự án vào quy hoạch điện VII đang được thực hiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Quy hoạch điện VII chưa có nhiều dự án điện mặt trời. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có văn bản 6965 ngày 18/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung quy hoạch 21 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định trước ngày 1/1/2019 và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo 221 ngày 1/7/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Ảnh minh họa

Ngày 20/11/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản số 1632 bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời và lưới điện đấu nối với Quy hoạch điện VII điều chỉnh để triển khai theo cơ chế đấu thầu, đấu giá để phát triển điện mặt trời đã được các cấp có thẩm quyền ban hành. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có chủ trương là đề nghị từ nay đến khi có Quy hoạch điện VIII, tạm thời dừng tổng hợp riêng lẻ và bổ sung thêm các dự án điện mặt trời theo đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp để chờ Quy hoạch điện VIII hoàn chỉnh, sau đó sẽ xem xét một cách tổng thể.

Hợp tác công nghệ để phát triển và quản lý nguồn năng lượng tái tạo

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam mới đây đã phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tổ chức hội thảo kỹ thuật “Mô hình hóa bằng công nghệ số” theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận những vấn đề liên quan tới phát triển và quản lý nguồn điện năng lượng tái tạo.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng của Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam theo Biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký giữa Vương quốc Anh và Bộ Công Thương Việt Nam vào đầu năm 2020.

Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió biển. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 20% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện, phát triển một khung pháp lý ổn định cho ngành điện cũng như đầu tư hiệu quả vào công nghệ là vô cùng thiết yếu.

Các chuyên gia Anh và Việt Nam sẽ hợp tác tháo gỡ những khó khăn mà cả lưới điện và nhà sản xuất điện đang phải đối mặt khi nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng

Các đại biểu và chuyên gia năng lượng đến từ EVN, EVNNPT tham gia thảo luận trực tiếp với các chuyên gia Anh về những thách thức kỹ thuật khi vận hành hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo liên tục gia tăng cũng như khả năng áp dụng công nghệ hiệu quả để quản lý và giảm thiểu những thách thức này.

Ngoài ra, các chuyên gia Anh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của chính nước Anh trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức này trên cơ sở một quá trình được hỗ trợ bởi khung pháp lý, chính sách và công nghệ phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: Anh là nước có thế mạnh về năng lượng tái tạo và đây là một trong những lĩnh vực mà Anh ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Việc hợp tác giữa các chuyên gia Anh và Việt Nam cũng như áp dụng công nghệ hiện đại để cải tiến hệ thống truyền tải điện sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn mà cả lưới điện và nhà sản xuất điện đang phải đối mặt. Đại sứ tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 15 - 20% vào năm 2030.

Quyết tâm khởi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đúng tiến độ

Tại Hà Nội, lãnh đạo EVN và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vừa có buổi làm việc về công tác đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Theo ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các Sở, ban, ngành địa phương đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, tuy nhiên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) cho dự án vẫn chậm tiến độ. Một số khó khăn, vướng mắc chính như: công tác thẩm định phương án di dời của các sở chuyên ngành thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ trình duyệt của UBND tỉnh. Đối với các hộ dân tuyến đường Lê Đại Hành, việc GPMB đoạn đầu tuyến để hoàn thiện vỉa hè gặp khó khăn do nguồn gốc đất đang bị chồng lấn. Công tác GPMB dự án khu liên cơ quan khu vực đầm Quỳnh Lâm chưa thể thực hiện, dẫn đến nguy cơ không đồng bộ với tiến độ thi công đào hố móng công trình...

Lãnh đạo EVN và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình làm việc về công tác đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Công tác bàn giao mặt bằng dự án theo kế hoạch cần phải hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/11/2020, đến nay đã chậm tiến độ. Với mục tiêu khởi công dự án vào đầu tháng 1/2021, EVN kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm, có ý kiến chỉ đạo các sở, ban ngành hoàn thành các nội dung công việc theo đúng tiến độ.

Tập đoàn đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể: cần hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường và thu hồi đối với các phạm vi GPMB trước ngày 15/12/2020, làm cơ sở để EVN chi trả giá trị tiền bồi thường trước ngày 31/12/2020. UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành các thủ tục cho thuê đất đối với phạm vi mặt bằng khi tiếp nhận hồ sơ xin thuê đất của chủ dự án. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư khu liên cơ quan tỉnh và bổ sung các yêu cầu pháp lý trong công tác chi trả tiền bồi thường GPMB của EVN...

Ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng để dự án khởi công đúng tiến độ. Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình quan trọng, sẽ góp phần để tỉnh Hòa Bình thu hút đầu tư. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh, lực lượng công an trong việc đảm bảo an toàn cho người dân và đảm bảo môi trường trong khu vực.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang cam kết, Tập đoàn và các đơn vị sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo an toàn cho dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng cũng như an toàn cho thành phố Hòa Bình trong quá trình thi công. 

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc EVN xem xét, nghiên cứu tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện để nâng cao chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV