Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Thứ ba, 28/9/2021 | 12:19 GMT+7
Bộ Công Thương hiện đang xây dựng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), bố cục gồm 10 chương và 69 điều.

Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật hoặc quy định chưa phù hợp, chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí khâu thượng nguồn cũng như công tác quản lý nhà nước đã gặp phải không ít vướng mắc, lúng túng.

Do đó, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

Xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí

Mục đích cơ bản của việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. 

Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực). Đồng thời, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (không mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật khác), các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được bố cục gồm 10 chương và 69 điều. So sánh với Luật Dầu khí 1993, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có những thay đổi về bố cục, kết cấu:

Bổ sung thêm 3 chương về: trình tự, thủ tục phê duyệt trong hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán; các chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí.

Bỏ 2 chương về: thanh tra các hoạt động dầu khí; xử lý vi phạm.

Về số lượng điều khoản, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã giữ lại những nội dung điều khoản cơ bản phù hợp với các hợp đồng dầu khí đã ký đang có hiệu lực và cấu trúc lại để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản vào Luật.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân và doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Mọi ý kiến góp ý gửi về Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương, địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email nhận ý kiến góp ý: tungtt@moit.gov.vn và soannv@moit.gov.vn. Hạn lấy ý kiến trước ngày 22/11/2021.

Xem chi tiết dự thảo tại đây.

Hải Long