Sức khỏe

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

Thứ sáu, 15/3/2024 | 16:18 GMT+7
Ngày 15/3, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm với số ca tử vong do dại cao.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, thời gian qua đã xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là vì người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

Trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người và động vật tại nhiều nơi, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai cấp bách một số nội dung để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại.

Trong đó, chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Các địa phương cần bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao. Bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm; riêng những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn, cần xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí trường hợp bị động vật cắn. Song song với đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại.

Bệnh dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt của động vật bị dại khi cắn, cào trầy xước hoặc liếm vào vết thương, tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước của người. Nguyên nhân lây truyền dại đa số là do chó cắn (chiếm 96% tại các nước Đông Nam Á), mèo hoặc các loài động vật hoang dã cắn, cào xước như: cầy, chó sói, cáo...

Hiện nay, gần 100% các trường hợp mắc bệnh dại khi phát cơn đều tử vong mà chưa có biện pháp điều trị. Vì vậy, phương pháp hữu hiệu nhất tính đến thời điểm hiện tại để chủ động phòng dại là tiêm vaccine ngừa dại.

Mộc Trà (T/H)