Sức khỏe

Bổ sung loại khoáng chất cần thiết cho sức khỏe tim mạch

Thứ hai, 23/11/2020 | 16:54 GMT+7
Kali rất cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường bởi nó đóng một vai trò trong việc dẫn truyền các xung thần kinh, co cơ và khả năng đập của tim. Tuy chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng loại khoáng chất này lại cần thiết phải được nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Kali kết hợp với natri có thể giúp duy trì sự cân bằng axit-bazơ của toàn bộ cơ thể, góp phần chống lại chứng viêm và đau mãn tính. Nhờ khoáng chất kali nên tim và các cơ quan co bóp có thể hoạt động bình thường. Do vậy, một lượng kali vừa đủ sẽ bảo vệ cơ thể khỏi chứng tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc loãng xương.

Khoáng chất kali chủ yếu tập trung ở bên trong tế bào. Cơ thể con người chứa từ 100 - 150g kali. Kali trong cơ thể thường được nạp vào do thức ăn hàng ngày bởi cơ thể không thể tự tổng hợp. Các cơ quan y tế khuyến nghị, lượng kali cần thiết nạp vào cơ thể hàng ngày đối với người lớn là 4 - 5g, với trẻ em trên 4 tuổi là 3,5 - 4g.

Thực phẩm có chứa kali

Thông thường, chế độ ăn uống mất cân bằng có thể dẫn đến thiếu hụt lượng kali trong cơ thể. Các bệnh lý về thận, viêm nhiễm và tiêu hóa cũng có thể gây thiếu hụt kali. Trong một số trường hợp, đổ mồ hôi nhiều, sử dụng quá nhiều thuốc nhuận tràng và chế độ ăn nhiều protein cũng sẽ làm giảm lượng kali.

Sự thiếu hụt kali trong cơ thể sẽ được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau như rối loạn nhịp tim, mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí là trầm cảm.

Thực phẩm nào giàu kali?

Kali có nhiều trong rau bina. Trong 100g rau bina có khoảng 302mg kali. Bên cạnh đó, cà phê là một trong những thức uống giúp bổ sung kali cho cơ thể. 

Chuối là loại quả được khuyên dùng khi cơ thể thiếu kali, tiêu thụ một quả chuối mỗi ngày sẽ cung cấp đủ lượng kali được khuyến nghị hàng ngày. Lượng kali có trong chuối nhiều tương đương với rau bina.

Cà chua, bơ, rau mùi, các loại hạt có dầu (hạnh nhân, quả óc chó, quả phỉ, hạt thông…), các loại trái cây sấy khô cũng chứa kali tốt cho cơ thể.

Tuy nhiên, cần cân nhắc và kiểm soát tốt liều lượng kali nạp vào trong cơ thể để tránh tình trạng tăng kali huyết. Mức độ kali trong máu bình thường nằm trong khoảng 0,2g/l máu.

Tăng kali trong máu thường là nguyên nhân thứ phát sau các vấn đề như: chảy máu đường ruột, các vấn đề về thận, nhiễm trùng. Thông thường biểu hiện của tình trạng này là nôn mửa và các vấn đề về tim.

Khả Di ( Theo Femme Actuelle)