Sức khỏe

Những lưu ý khi tiêu thụ sản phẩm có chứa chất phụ gia

Thứ ba, 27/10/2020 | 14:45 GMT+7
Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa chất phụ gia thực phẩm đang ngày càng tăng khi càng nhiều người có thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Việc sử dụng những sản phẩm này đôi khi là cần thiết, không thể tránh khỏi, nhưng cũng cần có những hiểu biết rõ nhất về các loại chất phụ gia này để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Việt Nam hiện có 400 loại chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, các loại chất này thường xuất hiện trong thực phẩm mà con người tiêu thụ hàng ngày. Mỗi loại chất này đều phải được sử dụng tương ứng với các sản phẩm cô định; tuân theo ADI - liều lượng chấp nhận được hàng ngày (không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe). 

Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn mức độ an toàn của những chất này, có thể điểm qua một vài chất phụ gia thường có trong thực phẩm mà chúng ta thường tiêu thụ.

Muối nitrat hoặc nitrit (E249 đến E252): đây là 2 chất phụ gia chủ yếu được sử dụng làm chất bảo quản trong thịt nguội. Năm 2015, cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp 2 loại muối này là chất gây ung thư vì chúng có thể làm phát sinh nitrosamine. Nhưng cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã đánh giá lại vào năm 2017 và cho phép sử dụng loại chất này nếu đúng liều lượng được phép trong thực phẩm.

Các dẫn xuất phốt phát (E338 đến 341, E343, E450 đến 452), được sử dụng làm chất chống oxy hóa hoặc chất điều chỉnh độ chua trong các sản phẩm bánh mì hoặc bánh ngọt, pho mát đã chế biến, kem…

Sự dư thừa phốt phát trong cơ thể, dù được nạp trực tiếp từ thực phẩm hay được cung cấp bởi các chất phụ gia đều sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các bệnh tim mạch và bệnh thận. Cảnh báo về mức độ nguy hiểm của loại chất này đã được đưa ra vào năm 2013, nhưng việc đánh giá lại các chất phụ gia này chỉ được công bố vào năm 2019. EFSA đã giảm ADI của chúng trong thực phẩm nhưng liều lượng được phép trong các sản phẩm công nghiệp cho đến nay vẫn chưa được sửa đổi.

Thịt nguội có chứa chất phụ gia bảo quản thực phẩm

Chất nhũ hóa, đặc biệt là polysorbate 80 (E433) và carboxymethylcellulose (E466), có trong nước sốt, một số món tráng miệng từ sữa hoặc đồ đông lạnh.

Những chất này có thể làm thay đổi niêm mạc ruột và hệ vi sinh đường ruột (lợi khuẩn đường ruột). Chúng thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh có thành phần gây viêm như bệnh viêm dạ dày mãn tính, tiểu đường loại II, béo phì…

Nghiên cứu NutriNet-Santé (Pháp) kết luận rằng, có sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường loại II... trong những người tiêu thụ thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn. Những sản phẩm này đều chứa nhiều chất phụ gia.

Tuy nhiên nghiên cứu này không chứng minh được mối liên hệ nguyên nhân và kết quả, vì có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, ví dụ như các chất được tạo ra trong quá trình đun nóng, các chất di chuyển từ bao bì sang thực phẩm. Hiện nhóm NutriNet-Santé đang tiến hành xác định các chất phụ gia được tiêu thụ trong 10 năm qua từ 165.000 tình nguyện viên, theo đó sẽ nghiên cứu và kiểm tra xem liệu có tồn tại mối liên hệ giữa một số hợp chất này và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở một số bệnh.

Nhận thấy những tác động không tốt của chất phụ gia đến sức khỏe, các nhà sản xuất đã nghiên cứu loại bỏ các chất phụ gia thừa hoặc được cho là không tốt ra khỏi sản phẩm của mình. Cụ thể, hiện nay có một số nhà cung cấp dăm bông trắng không thêm nitrit hoặc nitrat, sản phẩm sẽ có màu xám và thời hạn sử dụng ngắn hơn so với các sản phẩm khác.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 12/2019 từ Đài quan sát thực phẩm ANSES (OQALI), trong hơn 30.000 sản phẩm chế biến, số lượng trung bình của các chất phụ gia trong cùng một sản phẩm đã giảm và tỷ lệ thực phẩm không có chất phụ gia đã tăng 5% so với cuộc điều tra đầu tiên vào năm 2012. Chỉ 4% sản phẩm chứa hơn 10 chất phụ gia, 53% chứa nhiều nhất 3 chất phụ gia, 22% không chứa bất kỳ chất phụ gia nào, đặc biệt có 27% là các sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Mặc dù đã có sự vào cuộc của các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhưng vì sức khỏe của chính mình, tốt hơn hết bạn nên nấu ăn tại nhà. Sử dụng thịt, cá, rau quả đông lạnh hoặc đóng hộp chưa nấu chín. Ưu tiên các sản phẩm chế biến cơ bản như sữa chua hoặc sữa chua trái cây. Chọn sản phẩm chế biến sẵn có ít phụ gia nhất có thể.

Khánh An (Theo Femme Actuelle)