Sức khỏe

Bước đầu hợp thức hóa thương mại thịt nhân tạo trên thế giới

Thứ năm, 3/12/2020 | 13:48 GMT+7
Được biết, thịt nhân tạo được nuôi cấy từ tế bào động vật đã được cấp phép trên thế giới và Singapore là quốc gia đầu tiên cho bán thịt nhân tạo.

Ngày 2/12, công ty khởi nghiệp Eat Just của Mỹ chuyên bán sản phẩm thịt nhân tạo làm từ tế bào động vật nuôi cấy trong ống nghiệm cho biết, giấy phép đầu tiên trên thế giới phê duyệt cho sản phẩm thịt thật, chất lượng cao, được tạo ra trực tiếp từ tế bào động vật, mở đường cho việc thương mại hóa sản phẩm này trên quy mô nhỏ ở Singapore.

Theo thông tin từ Eat Just cung cấp, sản phẩm thịt trên được tạo ra bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ của động vật trong một môi trường được kiểm soát. Các chất dinh dưỡng không được tế bào tổng hợp như sắt, vitamin B12... sẽ được bổ sung trong môi trường nuôi cấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương thịt động vật giết mổ.

Sản phẩm thịt nhân tạo từ tế bào cơ của động vật

Sản phẩm thịt này sẽ được bán dưới hình thức thịt miếng. Nhà sáng lập Eat Just kiêm Giám đốc điều hành Josh Tetrick cho biết, theo dự kiến trước đây, mức giá ban đầu khoảng 50 USD/miếng, tuy nhiên hiện giá bán đã hạ và thịt sẽ được bán ngang với giá thịt gà loại tốt nhất tại một nhà hàng ở Singapore trong tương lai gần. Công ty dự kiến sẽ kinh doanh có lãi trước thời điểm cuối năm 2021.

“Việc giới chức Singapore cấp phép theo quy định đối với thịt ống nghiệm đầu tiên trên thế giới, với sản phẩm thịt chất lượng cao, an toàn tuyết đối được tạo ra trực tiếp từ tế bào động vật phục vụ người tiêu dùng đã mở lối cho chiến lược thương mại quy mô nhỏ sắp tới ở đảo quốc sư tử”, đại diện Eat Just nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sản phẩm thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng các phương pháp truyền thống, mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm có thể đảm bảo cung cấp protein cho cơ thể con người.

Nỗ lực nghiên cứu này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt cho dân số toàn cầu sẽ đạt khoảng 10 tỷ người vào năm 2050, được dự báo sẽ là một áp lực lớn về vấn đề thực phẩm.

Thanh Bảo (T/H)