Sức khỏe

Nấu ăn bằng củi có thể gây hại cho phổi

Thứ năm, 26/11/2020 | 15:40 GMT+7
Theo một nghiên cứu được trình bày trong cuộc họp hàng năm của Hiệp hội Phóng xạ Bắc Mỹ (RSNA), những người nấu ăn bằng nhiên liệu sinh khối như củi, gỗ có nguy cơ cao bị tổn thương phổi do phải hít thở trong không khí có nồng độ chất ô nhiễm và độc tố nguy hiểm.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu RSNA, trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người nấu ăn bằng nhiên liệu sinh khối. Các chất ô nhiễm do nấu nướng bằng phương thức này là nguyên nhân chính gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong hộ gia đình.

Trong khi hệ thống y tế ở một số quốc gia đã cố gắng hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ nhiên liệu sinh khối sang khí hóa lỏng sạch hơn, nhưng vẫn còn một lượng đáng kể các hộ gia đình vẫn tiếp tục sử dụng vật liệu đốt là nhiên liệu sinh khối. Hạn chế về tài chính, tâm lý ngại thay đổi, kết hợp với việc thiếu thông tin về tác động xấu của khói sinh khối đối với sức khỏe chính là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Một nhóm các nhà khoa học do TS. Eric A. Hoffman (Đại học Iowa) đứng đầu, phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Periyar Maniammai đã tiến hành đánh giá tác động của các chất ô nhiễm trong bếp nấu ở 23 gia đình ở Thanjavur (Ấn Độ), trong đó có cả nấu ăn bằng khí hóa lỏng hoặc nhiên liệu sinh khối.

Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà của 23 gia đình trên, sau đó kiểm tra chức năng phổi của các cá nhân. Họ cũng sử dụng phương pháp quét CT nâng cao để thực hiện các phép đo định lượng. Được biết, những tác động này chỉ có thể được nhìn thấy qua ảnh chụp CT bởi phương pháp này có thể phát hiện ra những thay đổi nhỏ nhất, ở từng vùng, trước khi những tác nhân xấu tiến triển thành bệnh và bạn có thể theo dõi sự tiến triển của bệnh trong thời gian ngắn.

Nấu ăn bằng củi có thể gây hại cho phổi

Kết quả cho thấy, những người nấu ăn bằng củi, gỗ tiếp xúc với nồng độ chất ô nhiễm và nội độc tố vi khuẩn cao hơn so với những người sử dụng khí hóa lỏng. Họ cũng có xuất hiện tình trạng tách khí (air trapping) trong phổi cao hơn đáng kể, một tình trạng liên quan đến các bệnh phổi.

Tiến sĩ Abhilash Kizhakke Puliyakote (Đại học California San Diego), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, tách không khí xảy ra khi một phần trong phổi không hoạt động trao đổi khí hiệu quả, điều này làm gián đoạn lượng oxy hít vào và lượng carbon loại bỏ ở lần hít vào sau. Lâu dần, phần đó của phổi sẽ bị suy giảm chức năng trao đổi khí. Ngay cả khi cơ thể không có các triệu chứng rõ ràng như khó thở nhưng phổi vẫn có thể bị tổn thương và viêm nhiễm.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một nhóm nhỏ những người sử dụng nhiên liệu sinh khối có mức độ tách không khí trong phổi rất cao và cơ mô bất thường. Trong khoảng một phần ba nhóm đó có tới hơn 50% lượng không khí họ hít vào sẽ bị mắc kẹt trong phổi.

Tiến sĩ Kizhakke Puliyakote tiết lộ thêm: “Sự gia tăng độ nhạy cảm này cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu ở những người hút thuốc lá, điều này có thể có yếu tố di truyền khiến một số cá nhân nhạy cảm hơn với môi trường sống của họ”.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc với khói sinh khối đang ảnh hưởng đến các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ quá trình bệnh. Nhưng từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia vẫn kiến nghị nên hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, khói đốt.

Bên cạnh nghiên cứu tập trung vào nấu ăn bằng nhiên liệu sinh khối, các nhà nghiên cứu đã mở rộng đánh giá nguồn phát sinh khói sinh khối khác. Theo đó, khói từ các vụ cháy rừng cũng có các tác động tương đương đến sức khỏe phổi.

Thanh Bảo (Theo Science Daily)