Nông nghiệp sạch

Chuyển đổi để phát triển ngành nông nghiệp

Thứ bảy, 3/7/2021 | 15:32 GMT+7
Trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, việc tiêu thụ và ổn định thị trường giá cả cho các mặt hàng nông sản ở vùng trọng điểm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn, gián đoạn. Qua đó đòi hỏi cần có sự chuyển đổi căn bản trong sản xuất và chiến lược tiêu thụ hàng hóa.

Trong chuyến công tác tại An Giang mới đây, gợi ý về định hướng phát triển đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định, đã đến lúc An Giang phải thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là yêu cầu chuyển đổi nông nghiệp cả nước trước thách thức của “3 biến” - biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Để tránh bị động, đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thiếu kết nối cung cầu thì sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần đẩy nhanh việc số hóa, kết nối hệ thống dữ liệu số.

Theo đó, chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp phải là cuộc chuyển đổi về chất, ngành nông nghiệp không chỉ ứng dụng ngày càng nhiều hơn công nghệ, tăng hàm lượng chất xám vào nông sản mà còn phải chọn lựa các công nghệ ưu tiên, công nghệ lõi mang tính dẫn dắt, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng đầu tư, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, lấy năng lực của các tác nhân trong chuỗi cung ứng nông sản như doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân làm động lực. Các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sâu, công nghệ thông tin và số hóa, tự động hóa cần được đẩy mạnh đầu tư, không chỉ trong sản xuất mà còn cần cho sự vận hành của chuỗi cung ứng nông sản. Cần tăng cường liên kết các tiểu vùng, vùng và liên vùng thực chất và hiệu quả hơn.

Ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa mùa dịch Covid-19

Trong chiến lược tiêu thụ hàng hóa cho ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hành động nghĩa tình giúp nông dân tiêu thụ nông sản là cần thiết trong cơn nguy cấp nhưng quan trọng hơn vẫn là sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan, là các giải pháp phải đồng bộ, từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng và phát triển hình ảnh từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Về cơ chế chính sách, ngành nông nghiệp cần một hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn nữa để có thể giải quyết tình trạng “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” và vòng luẩn quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” quá xưa cũ, thay bằng “cung cấp cái gì thị trường cần và có lợi nhuận”. Các chuỗi giá trị nông sản cần được tăng cường “sức đề kháng” và khơi thông dòng chảy. 

Những tác động và di chứng của của dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, khu vực nông thôn và cư dân nông thôn. Vì vậy, cùng với chủ trương xem xét hỗ trợ đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, cần xem xét các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ chủ động, thiết thực hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cụ thể hơn, mà trước mắt là tập trung các giải pháp tiêu thụ nông sản căn cơ bằng kết nối cung - cầu, giảm chi phí logistics, khai thông các kênh tiêu thụ trong nước để bù đắp cho các kênh xuất khẩu gặp khó khăn.

Thanh Bảo (T/H)