Đảm bảo tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường cho người khuyết tật

Thứ tư, 21/7/2021 | 12:14 GMT+7
Theo Quyết định số 1276/QĐ-TTg về đầu tư dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cải thiện điều kiện sống tại gia đình để tạo thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường cho người khuyết tật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) viện trợ không hoàn lại.

Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật. Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra là khoảng 75% người khuyết tật được dự án hỗ trợ cải thiện các chức năng liên quan đến các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống; khoảng 10 cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành (bác sỹ, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp) tại mỗi tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng mỗi chuyên ngành cho trên 10.000 dân, đạt được tỷ lệ trung bình tại khu vực.

Nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật

Ngoài ra, dự án cũng nhằm mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật. Cụ thể: đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, vệ sinh cá nhân, uống thuốc đúng chỉ định, di chuyển an toàn, tập luyện thường xuyên...); cải thiện điều kiện sống tại gia đình để tạo thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật (tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, làm đường dốc, tay vịn trong nhà vệ sinh/cầu thang...); cải thiện môi trường tâm lý xã hội: người khuyết tật được hỗ trợ về tâm lý, được khuyến khích tham gia các hoạt động chung tại gia đình và thực hiện các hoạt động phù hợp nhằm rèn luyện các kỹ năng sống. 

Bên cạnh đó, các mạng lưới trợ giúp sẽ thúc đẩy cơ hội hòa nhập của người khuyết tật thông qua việc tạo cơ hội để người khuyết tật tham gia các hoạt động, sự kiện tổ chức tại cộng đồng và đào tạo kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật, hình thành và đưa vào hoạt động các mô hình sống độc lập của người khuyết tật.   

Địa điểm, thời gian thực hiện dự án tại 8 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh trong giai đoạn năm 2021 – 2026 với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1.593,4 tỷ đồng.

Khả Như