Doanh nghiệp là chìa khóa để triển khai Smart City thành công

Thứ tư, 31/7/2019 | 17:00 GMT+7
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các địa phương muốn xây dựng đô thị thông minh thành công cần đầu tư tập trung, lựa chọn doanh nghiệp uy tín để hợp tác.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ việc bùng nổ đô thị hoá với tốc độ chóng mặt. Từ đây, phát triển xây dựng đô thị thông minh là một trong những đòi hỏi cấp bách góp phần đảm bảo các nhu cầu của người dân về giao thông, môi trường, an sinh xã hội trong tình hình mới.

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 950 về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng 2030, trong đó xác định nhiều nhiệm vụ giải pháp và các nguyên tắc trong việc triển khai đô thị thông minh bềnh vững ở Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò dẫn dắt định hướng về ứng dụng công nghệ thông tin được giao chủ trì nhiều nhiệm vụ trong đề án. Ngày 31/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định số 829 về khung tham chiếu ICT cho phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0, làm cơ sở để các địa phương triển khai các dự án, đề án phát triển đô thị thông minh của riêng mình.

Xuất hiện trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư CNTT Thừa Thiên Huế cuối tháng 7/2019, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá Huế là một trong những địa phương tiêu biểu triển khai đô thị thông minh, với điểm nổi bật và gây được ấn tượng mạnh là quản lý giám sát tập trung kết hợp việc theo dõi dịch vụ công trực tuyến với dịch vụ đô thị thông minh tại một trung tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, thành công trong đầu tư công nghệ thông tin nói chung và xây dựng đô thị thông minh nói riêng được quyết định thông qua đầu tư tập trung. Đây là điểm khác biệt giữa Huế với các thành phố khác, khi nhiều đô thị vốn có điều kiện thuận lợi hơn Huế nhưng đầu tư manh mún, dẫn tới không thể sớm triển khai thành công đô thị thông minh.

“Yếu tố thành công quan trọng là làm thế nào để chúng ta dùng chung cơ sở hạ tầng, dùng chung cơ sở dữ liệu, mà hai yếu tố này được quyết định bởi đầu tư tập trung. Các tồn tại yếu kém của chúng ta thời gian qua đều là chúng ta không làm được việc đầu tư tập trung. Tôi cho rằng Huế là một ví dụ tốt để các bộ ngành địa phương học tập triển khai”.

Từ kinh nghiệm ở Huế, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ tới các đoàn đại biểu từ nhiều tỉnh thành khác tham gia hội nghị này 5 nhóm giải pháp nhằm triển khai đô thị thông minh nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm, đúng như tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đạt trong cuộc họp ngày 23/7 vừa qua.

Thứ nhất, các lãnh đạo, bộ ngành địa phương cần đánh giá nhận thức rõ các vấn đề của đô thị thông minh để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, phân kỳ triển khai các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, ưu tiên xây dựng nền tảng và từng bước và mở rộng đặc thù theo từng địa phương

Thứ hai là tham khảo mô hình địa phương đã triển khai và có kết quả cụ thể, kết hợp với học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai ứng dụng đô thị thông minh (và hôm nay là ví dụ của Thừa Thiên Huế), kế thừa thích hợp những kết quả đạt được từ việc xây dựng chính quyền điện tử để phát triển đô thị thông minh, tránh đầu tư trùng lặp.

Thứ ba là cần tuân thủ khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh ở địa phương

Thứ tư là lựa chọn doanh nghiệp có năng lực để tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. (Hiện tại, Huế đang hợp tác chiến lược với Viettel để thực hiện phần lớn các hoạt động về kỹ thuật trong trung tâm điều hành thông minh, cùng với đó là những hỗ trợ về trang bị, máy móc, đường truyền, chi phí…)

Thứ năm là tiến hành từng bước để đạt được kết quả vững chắc nhưng vẫn cần có sự đo lường, đánh giá xuyên suốt quá trình thực hiện.

Thực hiện một trong những hoạt động trọng tâm nhất của đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, hướng đến 2025, ngày 26/12/2018, UBND Thừa Thiên Huế đã quyết định thành lập Trung tâm giám sát và điều hành thông minh. Trung tâm hình thành trên cơ sở hợp nhất trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông và trung tâm Dữ liệu điện tử trực thuộc Sở. Trung tâm này đóng vai trò là trái tim tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh của Huế.

Hiện tại, các công đoạn chính của hệ thống vẫn nhận được sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược là Viettel – đơn vị đã đồng hành cùng Huế từ những ngày thử nghiệm đầu tiên. Ngoài đầu tư về trang thiết bị, camera, Viettel và Trung tâm giám sát và điều hành thông minh của Huế còn phối hợp trong hoạt động xử lý dữ liệu hình ảnh, giám sát tin tức, giám sát tàu cá, an toàn thông tin mạng và an ninh xã hội.

Các công nghệ tiên tiến nhất như máy học, dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo đều được Viettel nhanh chóng đưa vào hệ thống theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm hỗ trợ và dần thay thế các thao tác quản lý, tinh chỉnh thủ công.

 

Theo báo Đầu tư