Công trình xanh

Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững

Thứ hai, 1/8/2022 | 17:26 GMT+7
Mới đây, Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững”.

Trong nhiều năm qua, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của các công trình có kiến trúc bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, đề án... cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Cần có giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững. (Ảnh minh họa)

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao những ý tưởng, đóng góp về xu hướng, thực trạng, giải pháp các công trình xanh, vật liệu xanh trong hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đưa ra những phân tích, đánh giá chuyên sâu trong việc áp dụng những giải pháp về vật liệu xanh thân thiện với môi trường trong xây dựng nhằm kiến tạo nên một nền kiến trúc xanh, phát triển đô thị bền vững cho tương lai.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, yêu cầu của kiến trúc tương lai hướng tới phát triển bền vững, được đánh giá qua các thông số, chỉ số công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành nhằm giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Thiết kế kiến trúc xanh đương đại là sự tích hợp của: công năng, thẩm mỹ, kết cấu, vật liệu, vật lý kiến trúc, việc giảm thiểu tác động môi trường, tính bản địa và công nghệ thông tin – điều khiển học. 

“Hiện nay, doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì suy nghĩ chi phí xây dựng ban đầu lớn, thường cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường. Thực tế, nếu áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng, thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2 - 3 năm”, ông Nguyễn Đình Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, để thực hiện những giải pháp đáp ứng các công trình xanh thì nhu cầu rất lớn là phải đáp ứng vật liệu xanh như cửa, gạch, thiết bị vệ sinh... Cụ thể như việc là sử dụng cây xanh, tiết kiệm nước, bổ sung năng lượng tái tạo bằng hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời...

Tham dự hội thảo, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng chia sẻ về những giải pháp vật liệu mới, tiên tiến, đã và đang được đẩy mạnh ứng dụng trong phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Đại diện các doanh nghiệp cũng cam kết hướng tới phát triển công trình xanh để có thể nâng cao nhận thức của người dân cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành hướng tới năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26.

An Vinh