Nông nghiệp sạch

Giới thiệu sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Thứ ba, 9/4/2024 | 10:29 GMT+7
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo giới thiệu quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đã trình bày Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long; giúp hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác lúa bền vững, hiệu quả.

Giới thiệu quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long

TS. Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cấp cao IRRI giới thiệu về quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sổ tay gồm: canh tác áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và chuyển đổi số trong nông nghiệp để cải tiến phương thức canh tác chính xác hơn, giảm lao động thủ công, giảm vật tư đầu vào, tăng hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính. Quản lý sau thu hoạch dựa trên áp dụng các công nghệ sấy, bảo quản, chế biến để giảm tổn thất, duy trì tối đa chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và giảm phát thải, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sinh học trong thu gom rơm, xử lý, và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao như nấm rơm, thức ăn cho đại gia súc, đệm lót sinh học, phân hữu cơ, sản phẩm thay thế nhựa… tăng thu nhập cho nông dân và các tác nhân liên quan trong chuỗi giá trị, giảm ô nhiễm môi trường.

Quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án; với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân; tăng tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí phát thải.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, để Đề án triển khai thành công, rất cần sự phối hợp của các tổ chức quốc tế trong tập huấn cho nông dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương cũng cần tham gia tích cực vào Đề án.

Mộc Trà (T/H)