Kế hoạch nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến mới về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên góp phần phát triển năng lực xã hội.
Thông qua kế hoạch, ngành giáo dục Thủ đô phấn đấu xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng…
Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường trong ngành giáo dục
Theo kế hoạch, thành phố đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai để tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ: tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường; quan tâm đầu tư tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các cơ sở giáo dục, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...
Với các nhiệm vụ đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành giáo dục về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường; tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, các ban ngành, đơn vị giáo dục, trường học cần rà soát điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc, mang tính hình thức, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục…
Kế hoạch nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng...; đẩy mạnh việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh hoạt đoàn, đội; đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức trong hoạt động giảng dạy và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi học sinh...