Hà Nội nằm trong Top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Thứ bảy, 9/11/2024 | 12:16 GMT+7
Ngày 9/11, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên đến 218, Hà Nội nằm trong danh sách 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo đó, hàng loạt các điểm đo ở thành phố Hà Nội trong sáng 9/11 có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức màu đỏ hoặc màu tím. Nhiều điểm đo có chỉ số AQI trên 200 như: Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Nhật Tân, Yên Phụ, Ba Đình... Nhiều điểm đo khác cũng có chất lượng không khí ở mức rất xấu. Không xuất hiện điểm nào có chất lượng không khí đạt chuẩn ở mức hiển thị màu xanh.

Ảnh minh họa

Tại cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí của thành phố ở mức kém khi AQI trung bình là 114, độ ẩm 63%, nhiệt độ 22,7 độ C. Đáng nói, các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng có chỉ số không khí rất xấu, nhiều khu vực ô nhiễm.

Do đó, bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới trên ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí AirVisual đã lựa chọn Hà Nội là một trong 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ sau Lahore (Pakixtan) và Delhi (Ấn Độ).

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội diễn biến xấu nhất do tập trung nhiều hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, độ ẩm, hướng và tốc độ gió làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN-AQI) ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông vận tải là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 - 70%), nguồn sản xuất công nghiệp từ 14 - 23%, còn lại từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Mỹ Dung (T/H)