Văn hóa, du lịch

Hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa

Thứ sáu, 31/3/2023 | 14:53 GMT+7
Ngày 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về các nhiệm vụ, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, buổi làm việc nhằm rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách, pháp luật theo tinh thần Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp ngoài Kế hoạch số 81 để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hóa do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học)... cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo các nhiệm vụ, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa

Trong buổi họp, nhấn mạnh các nhiệm vụ, lĩnh vực mà Bộ VHTT&DL phụ trách là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa và đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đó, Bộ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết "để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất; từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam".

Thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. Đối với các vấn đề chưa được thể chế hóa, nhất là các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành. Đối với những lĩnh vực quan trọng mà Bộ VHTT&DL chưa đề nghị xây dựng luật, cần rà soát, tập trung đánh giá để xây dựng lộ trình phù hợp.

Bộ VHTT&DL cần tập trung phối hợp các Bộ, ban ngành nghiên cứu, xây dựng Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa…

Hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ đạo các cơ quan làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, yêu cầu trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ VHTT&DL khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tăng cường nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện công cụ quản lý hệ thống, tập trung cải cách hành chính, số hóa, quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ; đồng thời, quan tâm hơn nữa công tác truyền thông để người dân, xã hội hiểu, chia sẻ, thông cảm và đóng góp ý kiến cho ngành.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội còn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về chuyển đổi số; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ VHTT&DL. Vì vậy, các Bộ, ban, đơn vị có liên quan cần chủ động phối hợp để sự kiện diễn ra thành công, hiệu quả.

Lam An (T/H)