Sức khỏe

Khẩu trang từ bã mía ứng dụng tốt, thân thiện với môi trường

Thứ sáu, 23/4/2021 | 13:11 GMT+7
Chiếc khẩu trang ba lớp có thể lọc được bụi, chống tia UV, ngăn giọt bắn, kháng khuẩn, lại có thể dễ dàng dàng phân hủy trong môi trường đang được kỳ vọng ứng dụng trong thực tế.

Những chiếc khẩu trang dùng 1 lần bị vứt bừa bãi ra đường đã gây ô nhiễm và lãng phí lớn. Điều này tạo động lực, thôi thúc nhóm sinh viên trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) quyết tâm tạo ra một loại khẩu trang dễ dàng phân hủy, không gây tác động đến môi trường.

Qua tìm hiểu, bã mía đã được nhiều người sử dụng chế tạo thành các ly nhựa, hộp đựng cơm, sổ tay, lịch, nhưng chưa được chế tạo thành khẩu trang. Theo đó, em Nguyễn Hồng Dung, sinh viên năm 2 Khoa Điều dưỡng, trường Đại học Duy Tân, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Tại Hội thi Startup Duy Tân 2020 vào tháng 9, chúng em mạnh dạn đề xuất ý tưởng chế tạo khẩu trang làm từ bã mía và nhận được sự khuyến khích, tạo điều kiện của thầy, cô. Chúng em mong muốn tạo ra loại khẩu trang thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe người; đồng thời thông qua công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức mang khẩu trang bảo vệ bản thân, phòng chống Covid-19”.

Thấy loại phụ phẩm này có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên khoảng 30 - 60 ngày vì chứa sợi cellulose, nhóm nảy ý tưởng dùng bã mía làm thành khẩu trang dễ phân hủy hơn sản phẩm thông thường để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Công đoạn phân ra, xử lý bã mía

Bã mía được ngâm với nước, sau đó đun sôi với chất caustic soda để phân rã thành sợi nhỏ, thu được dung dịch trắng trong, sau đó được lọc để lấy phần bã dạng tinh. Thành phần này tiếp tục được cán mỏng và sấy khô. Sau khi được sát khuẩn, thành phẩm là một tấm vật liệu mỏng màu vàng cũ, không mùi.

Tuy nhiên, do chứa thành phần cellulose nên lớp vật liệu này dễ thấm nước và hỏng. Nhóm đã chế tạo lớp kitin mỏng từ vỏ tôm, có khả năng chống nước, kháng khuẩn. Kitin được quét lên lớp ngoài cùng của khẩu trang. Em Phan Văn Thịnh, sinh viên năm 4 Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Duy Tân, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, để lớp kitin bám dính tốt vào vật liệu, cần phải xay thật nhuyễn lớp vỏ tôm.

Lớp thứ 2 của khẩu trang sau đó được trộn với than hoạt tính và nano bạc để tăng độ che khít giúp kháng khuẩn kháng bụi. Các sợi cellulose đan chặt kết hợp với hai lớp màng bảo vệ này có thể ngăn chặn các giọt bắn siêu nhỏ từ  3 - 5 micromet. Lớp bên trong tiếp xúc trực tiếp với da người sử dụng nên vật liệu sẽ được nén thành dạng xốp để làm vải mềm hơn, không gây kích ứng.

Theo nhóm nghiên cứu, 1kg bã mía chưa sấy có thể làm ra 5 chiếc khẩu trang ba lớp, lọc được bụi, chống tia UV và ngăn giọt bắn, kháng khuẩn nhờ có thêm lớp kitin và nano bạc.

“Nếu có thể đưa ra thị trường, giá bán một chiếc khẩu trang sẽ khoảng 4.000 đồng. Hiện có một số công ty đã kết nối với nhà trường mong muốn phát triển sản phẩm", em Thịnh cho biết.

Gia Linh (T/H)