Lạng Sơn: Gắn phòng chống thiên tai với giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 31/10/2022 | 08:26 GMT+7
Là địa phương chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn, lũ, sạt lở đất, ngập úng, mưa đá, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định phòng, chống thiên tai (PCTT) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và xuyên suốt của các cấp, các ngành trong tỉnh.

“4 tại chỗ” để hạn chế thấp nhất thiệt hại

Năm 2022, thiên tai trên địa bàn huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) diễn biến phức tạp, khó lường với các đợt rét đậm, rét hại, mưa lũ, dông, lốc. Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Thiều, xác định hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thiên tai, những năm qua, huyện Bắc Sơn luôn tập trung thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao năng lực của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, thực hiện nhiệm vụ diễn tập gắn với thực binh ứng phó thiên tai.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát những vùng, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, ngập lụt, thông báo cho nhân dân cảnh giác, chủ động di dời, sơ tán nhân dân khỏi vùng nguy hiểm. Kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, hiện trạng các hồ chứa nước thường xuyên, sửa chữa ngay những hư hỏng đe dọa mất an toàn công trình, nhất là các công trình đầu mối như đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước...

Theo UBND huyện Bắc Sơn, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn huyện những năm qua cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công tác xóa đói giảm nghèo. Do đó, Bắc Sơn luôn nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về diễn biến phức tạp của thiên tai, coi nhiệm vụ PCTT là trách nhiệm của chính bản thân, lấy phòng tránh là chủ yếu. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai đến công tác xóa đói giảm nghèo.

Ứng phó nhanh với diễn biến phức tạp của thiên tai

Còn tại huyện Bình Gia (Lạng Sơn), để hạn chế thiệt hại do thiên tai, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, diễn biến bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để phòng tránh có hiệu quả với từng cơn bão, áp thấp nhiệt đới, cũng như các đợt mưa lũ kéo dài.

Bên cạnh đó, triển khai chính sách hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, góp phần cải thiện chỗ ở, xây dựng nhà đảm bảo 3 cứng, an toàn trước thiên tai. Chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng, thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục với các loại thiên tai điển hình…

Hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, những năm gần đây, thiên tai liên tiếp xảy ra với diễn biến bất thường, trái quy luật, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Sau khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại.

Trong đó, nguồn vốn Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh đã góp phần thiết thực giúp khắc phục khẩn cấp ban đầu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đường giao thông, cầu cống, hỗ trợ nhà sập đổ, phải di dời. Qua đó, kịp thời giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau thiên tai

Để chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, hàng năm, Lạng Sơn cũng chỉ đạo các Sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trên toàn tỉnh. Kiện toàn, củng cố Đội xung kích phòng, chống thiên tai, với hơn 10.000 thành viên tại 200/200 xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, tỉnh cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ, phù hợp với từng đối tượng để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai tới người dân, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành ý thức chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn xây dựng nhà ở, hướng tới cộng đồng an toàn trước thiên tai. Thực hiện các dự án sắp xếp, di dời dân cư tại khu vực không bảo đảm an toàn ven sông, suối, nơi có nguy cơ cao xảy ra rủi ro, kiểm soát chặt chẽ việc di dân tự phát. Hỗ trợ nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu… Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo baotainguyenmoitruong.vn