Văn hóa, du lịch

Linh thiêng Điện Biên

Thứ tư, 27/7/2016 | 09:00 GMT+7
Điện Biên nằm ở vùng Tây Bắc, Việt Nam, giáp với các tỉnh Lai Châu, Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsaly của Lào ở phía Tây, các huyện Pak Xeng, Pak Ou thuộc tỉnh Luangprabang của Lào ở phía Tây Nam.

Điện Biên là vùng đất cổ. Các hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) chứng minh thời thượng cổ đã có mặt người Việt cổ. Thế kỷ 9- 10, người Lự ở Mường Thanh phát triển mạnh, ảnh hưởng sang các khu vực Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo...

Thế kỷ 11-12. Người Tày Đăm (Thái đen) theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ). Sau đó từ Mường Lò, những cư dân này theo Pú Lạng Chượng thủ lĩnh của mình, tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... làm chủ từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên).

Thời kỳ Bắc thuộc, Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Thời Lý, đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây. Thời Trần, Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối Trần là trấn Thiên Hưng. Thời thuộc Minh chia làm hai châu Gia Hưng và Quy Hoá.

Thế kỷ 15 (năm 1463). Trấn Hưng Hóa được thành lập (bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây). Các thủ lĩnh người Lự vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau. Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa.

Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841. Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải.

Thành phố Điện Biên.

Điện Biên ngày nay

Đường Hà Nội - Điện Biên hơn 400 km, vòng cua, khúc khuỷu. Đại ngàn trùng điệp đại ngàn. Chị em tôi bay trong vòng tay lái lụa của cậu em. Lên đèo xuống dốc. Đèo Pha Đin trên đỉnh cao nhất rừng Tây Bắc vòng 38 km, nay đã hạ con đường mới, đỡ dốc xoáy hơn. Hoa sim, hoa mái trải áo váy tím hồng trinh nữ, quyến rũ mây trời.

Tây Bắc tàn Xuân. Hoa Ban không còn. Thung lũng mận đào vào mùa quả chín. Dặm trường, bóng thiếu nữ váy hoa mềm mại in bóng núi. Những rổ đào hồng, mận đỏ, thúng sắn, khoai, măng, cây thuốc, cây cảnh… bày bán đó đây.

Mái nhà sàn thấp thoáng lưng chừng mây.

Rừng nguyên sinh loang lổ màu đất.

Cao nguyên Mộc Châu đồi nhấp nhô đồi, uốn lượn nhịp nhàng những nốt nhạc xanh khổng lồ. Mây trắng đậu giữa thung lũng xanh. Cỏ non ngút ngát khe sâu. Từng đàn bò ung dung gặm cỏ. Mặt trời hồng bừng toả khắp nơi. Tuy vậy, xe chúng tôi có lúc đâm vào vùng sương mù mịt, rẽ mù mà đi.

Nhà máy Thuỷ điện Pa Khoang nằm trong khu rừng Mường Phăng cách thành phố Điện Biên khoảng hai chục cây số, trên cao gần bảy trăm mét so với mặt biển.

Sau một ngày ôtô xuyên ngược núi, chúng tôi ngủ ngon lành trong khu nhà một tầng đủ tiện nghi của Thuỷ điện Pa Khoang. Ngoài trời, tối đen. Đêm trùm đại ngàn. Mưa rừng sầm sập. Côn trùng hoà ca. Thác nước rì rào. Tiếng nước chảy qua tuốc-bin liên tục phát điện hoà lưới quốc gia, thắp sáng Mường Phăng. Rừng ru. Hương núi mát dịu. Sao Mai mờ xa xăm thức đợi sao Hôm.

Sớm mai, ba mươi sáu tiếng chim líu lo, cung bậc trầm bổng, hợp thành bản giao hưởng bình minh hùng vĩ ngàn trùng.

Chúng tôi về Nghĩa trang Điện Biên và Thành bản phủ Hoàng Công Chất trong thành phố Điện Biên dâng hương tạ hồn thiêng Điện Biên.

Thành phố Điện Biên, thung lũng lòng chảo, rừng vòng màu xanh lam ôm cánh đồng Mường Thanh vàng thơm lúa đặc sản Điện Biên.

Nghĩa trang Điện Biên - Anh linh người lính

Nghĩa trang Điện Biên Phủ là một trong bốn nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo; nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị. Nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị.

Chúng tôi kính cẩn nghiểng mình viếng nghĩa trang Điện Biên Phủ. Khói hương ru ngàn không tên yên giấc ngàn thu.

Hằng ngày. Hằng năm. Những đoàn người nối nhau đến viếng nghĩa trang Điện Biên. Những mái đầu đồng đội xưa sống sót về đây, rưng rưng ngấn lệ.

Chị em tôi chầm chậm thắp khói nhang trên từng ngôi mộ không tên. Nước mắt nhòa, vang động những ngôi mộ không tên. Nghĩa trang Điện Biên không to, không rộng, hút hồn tử sĩ khắp núi rừng Tây Bắc, khắp chiến dịch Điện Biên Phủ tụ về. 

Máu xương lớp Cha ngã xuống nơi này. Đồng đội của Cha tôi, chú bác của tôi. Họ thấy tôi thương họ, nên tụ về vai tôi mà khóc. Các chiến binh khóc. Không phải tôi khóc.

Nghĩa trang Thành phố Điện Biên nhìn từ trên cao.

Cây Đa, cây Đề, cây Si chụm thành một cây

Chúng tôi dâng hương Thành Bản phủ Hoàng Công Chất trong cánh đồng Mường Thanh.

Hoàng Công Chất, người anh hùng cuộc khởi nghĩa nông dân (1739- 1769). Câu đối vàng khắc ghi:

Tài năng vang dội khắp non sông

Đức độ ghi sâu lòng dân tộc

Hoàng Công Chất quê Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1739, ông tổ chức cuộc khởi nghĩa nông dân vùng Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên). Năm 1748 tiến quân vào vùng thượng du Thanh Hoá hoạt động.

Theo đường rừng lên Hưng Hoá (Tây Bắc). Ở đây, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải và tướng Khanh, là hai thủ lĩnh người Thái Điện Biên lãnh đạo nhân dân các dân tộc cùng nghĩa quân đánh đuổi giặc Pọong (giặc biên giới Trung Hoa) giải phóng Điện Biên tháng 5- 1754.

Ông Bùi Xuân Liêu trông coi Thành bản phủ Hoàng Công Chất, chỉ cho tôi từng cây cổ thụ, thảm cỏ, ao hoa sen, hoa súng, từng cây cảnh, từng mảng rêu phong nguyên vẹn thiêng liêng từ 200 năm trước, do bàn tay Hoàng Công Chất chăm trồng.

Năm 1758 - 1762 Hoàng Công Chất xây dựng Thành bản Phủ, diện tích 80 mẫu Bắc bộ. Gồm Thành nội và Thành ngoại, đào 133 cái ao bảo vệ.

Từ đó, căn cứ Hoàng Công Chất phát triển khắp mười châu, phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía Nam mở rộng xuống Hoà Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình.

Cuộc khởi nghĩa nông dân mang tên Hoàng Công Chất, chống giặc biên giới Trung Quốc kéo dài 30 năm. Lôi cuốn người Việt Nam từ đồng bằng lên rừng núi, tạo khối đoàn kết các miền xuôi, ngược chống giặc biên cương.

Hơn 200 năm nay, cháu con kính cẩn dâng hương Thành Bản Phủ Hoàng Công Chất uy linh giữa cánh đồng Mường Thanh. Dấu tích xưa vẫn vẹn nguyên.

Linh thiêng thay! Ba cây đa, cây đề, cây si do chính tay Hoàng Công Chất trồng trước sân Thành Bản Phủ giờ đây đã xoà rễ, bám đất, tụ lại thành một cây không lồ như ngọn núi trước ngôi đền thờ Ngài. Lá cây, rễ cây, hoa, quả, cành của cây nào vẫn chính là nó. Nhưng ba cây đã thành một cây hơn mười người ôm không xuể. Bóng mát lá cành toả rợp cánh đồng Mường Thanh.

Ngày nay đến đây dâng hương, con cháu được chiêm ngưỡng hình tượng cây xanh hiển linh trong câu ca dao:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại thành hòn núi cao

Rừng ông Giáp linh thiêng tiếng hò kéo pháo

Rừng nguyên sinh, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, giáp Điện Biên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dân bản gọi thân thương Rừng ông Giáp vốn có tên là rừng bản Nhọt

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây đóng quân.   

Rừng còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Những cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ. Những cây pơ- mu cao hàng chót vót, thẳng đứng. Rừng ông Giáp linh thiêng Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, vang động tiếng hò kéo pháo. Bởi thế giặc trong/ ngoài không dám đến đây chặt cây phá rừng, bán đất cho ngoại xâm.

Những chiều mùa hè trong Nhà máy Thủy điện Pa Khoang. Chúng tôi dạo bộ trên sườn dốc trong khu rừng Mường Phăng. Trò chuyện với những người dân bản lành hiền, ngắm Đất Trời, rừng cây, hồ nước, suối xanh. Hoàng hôn xanh. Trời in đáy Hồ Pa Khoang xanh lam huyền diệu.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Đêm Mường Phăng

Đêm Mường Phăng không ngủ. Tiếng suối đổ thác, tuôn dòng điện, tiếng hò kéo pháo, rừng ông Giáp hòa thanh. Tâm hồn tôi tuôn trào Thơ nhạc:

“Rừng Đại Tướng bồng bềnh màn đêm

Diệu linh huyền bí thức đại ngàn

Thác nước gieo ngọc Trời mời gọi

Tiên giáng trần tình tự hoan ca.

 

Côn trùng dạo nhạc toả bao la

Sầm sập mưa rừng dạ khúc hoa

Hồn tử sĩ vang hò kéo pháo

Giấc mơ nào bay vượt tầm cao.

 

Giấc mơ nào chạm tới trăng sao

Uốn dòng chảy tuôn trào ống thẳng

Tạo thế năng, dòng điện sinh sôi

Chan chứa bình minh, tưới núi đồi.

 

Chúng con xin lạy tạ Đất Trời

Thánh Thần Phật Tổ tiên Cha Mẹ

Đã trợ duyên, Thuỷ Điện Pa Khoang

Gia đình họ Mai dâng xứ sở.

 

Hợp phong thuỷ, lòng người mong đợi

Sự sống tưng bừng tụ nơi đây

Cá, chim, chó, lợn, gà… muông thú

Thực vật muôn loài nở trái thơm.

 

Ngọn lửa hồng khơi nguồn tiếp nối

Linh thiêng Điện Biên! Đất Trời Người

Dòng Pa Khoang năng lượng đầy vơi

Ánh Thương Yêu rạng rỡ sông Đời”.

Mai Thục