Sức khỏe

Lộ trình không phát thải carbon trong ngành y tế đến năm 2050

Thứ năm, 15/4/2021 | 11:34 GMT+7
Ngày 14/4, tổ chức Health Care Without Harm (Chăm sóc sức khỏe không gây hại) phối hợp với Công ty Arup (Anh) giới thiệu Hướng dẫn lộ trình toàn cầu về khử carbon trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe không gây hại là hoạt động với mục tiêu thay đổi ngành y tế trên toàn thế giới mà không ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Hoạt động cũng nhằm hướng ngành y tế trở nên bền vững về mặt sinh thái, công lý cho môi trường.

Được biết, ngành y tế, chăm sóc sức khỏe có tác động không nhỏ tới khí hậu, bằng 4,4% lượng khí thải ròng toàn cầu. Bản Hướng dẫn lộ trình toàn cầu chỉ ra rằng, 84% lượng phát thải khí hậu của ngành là từ nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong các hoạt động của cơ sở y tế, chuỗi cung ứng và nền kinh tế rộng lớn hơn đi kèm. Trong đó bao gồm than, dầu và khí đốt dùng để cung cấp năng lượng vận hành cho các bệnh viện, hoạt động đi lại liên quan đến y tế, sản xuất và vận chuyển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Nếu không có những hành động cụ thể, ngay lập tức vì khí hậu thì lượng khí carbon thải ra từ ngành y tế sẽ tăng hơn gấp 3 lần (hơn 6 gigaton mỗi năm vào năm 2050), tương đương với lượng phát thải hàng năm từ 770 nhà máy nhiệt điện than.

Hệ thống sưởi ấm, làm mát trong bệnh viện là một trong nhiều nguyên nhân tăng lượng khí thải carbon

Khi các quốc gia có thể đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris, điều này có thể giúp cắt giảm mức tăng phát thải dự tính của ngành y tế xuống 70%, nhưng vẫn còn cách rất xa mục tiêu không phát thải.

Đây sẽ là bản hướng dẫn đầu tiên trên thế giới cho ngành y tế toàn cầu về mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Theo đó, bản hướng dẫn lộ trình này chỉ ra 7 hoạt động có tác động lớn, có thể giúp ngành y tế cắt giảm thêm 44 gigatton lượng phát thải trong 36 năm, tương đương với việc giữ hơn 2,7 tỷ thùng dầu trong lòng đất mỗi năm.

Bản hướng dẫn lộ trình đưa ra dữ liệu chi tiết về phát thải ngành y tế của 68 quốc gia và các khuyến nghị cụ thể cho chính phủ, các cơ quan quốc tế, khu vực tư nhân và xã hội dân sự để đạt được các mục tiêu khử carbon và tạo ra nền y tế ưu việt và công bằng hơn. Các khuyến nghị cho các chính phủ bao gồm đưa quá trình khử cacbon trong ngành y tế vào các cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris và phát triển các chính sách khí hậu liên ngành mạnh mẽ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ quá trình khử carbon và khả năng phục hồi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Lộ trình cũng vạch ra cho ngành y tế ở các quốc gia những quỹ đạo khử carbon riêng biệt. Các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong lĩnh vực y tế cần phải giảm lượng khí thải nhanh nhất và nhiều nhất. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với ít trách nhiệm hơn có thể thực hiện các giải pháp khí hậu thông minh để phát triển cơ sở hạ tầng y tế, hoặc đi theo một quỹ đạo có “độ dốc” ít hơn đến mục tiêu không phát thải. Hướng dẫn cũng đề xuất cho ngành y tế Việt Nam – ngành gây ra 2,4% tổng lượng phát thải cả nước, đứng thứ 20/68 nước trong báo cáo về lượng phát thải ròng.

Hiện đã có những hệ thống y tế điển hình ở các nước đã áp dụng kế hoạch không phát thải. Như: hệ thống y tế quốc gia của Anh đã công bố mục tiêu năm 2040 không phát thải ròng; Argentina đã đưa việc giảm lượng khí thải carbon trong chăm sóc sức khỏe vào các kế hoạch khí hậu.

“Hệ thống y tế của tất cả các quốc gia sẽ cần đạt không phát thải vào năm 2050, đồng thời đạt được các mục tiêu y tế toàn cầu. Nhiều hệ thống y tế ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần sự hỗ trợ từ các nền kinh tế phát triển để họ có điều kiện tiếp cận các giải pháp cần thiết trong quá trình chuyển đổi này”, Sonia Roschnik, Giám đốc chính sách Khí hậu quốc tế, chăm sóc sức khỏe không gây hại, đồng tác giả bản hướng dẫn lộ trình cho biết.

“Trong cuộc chạy đua đạt mục tiêu không phát thải, hành động vì khí hậu phải đi đôi với việc thiết lập cho ngành y tế khả năng chống chịu với khí hậu, coi đây như một chiến lược ứng phó với thiên tai, đồng thời chấm dứt tình trạng chênh lệch về phát triển và tiếp cận y tế giữa các quốc gia”, Tiến sĩ K. Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng của Ấn Độ cho biết.

Thanh Bảo