Kinh tế xanh

Lồng ghép khoa học công nghệ để phát triển bền vững

Thứ sáu, 1/10/2021 | 09:04 GMT+7
Mới đây, tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cùng các trường đại học tổ chức, các đại biểu tham gia đã thảo luận, đề xuất ý kiến về áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong ngành công thương, hướng tới phát triển bền vững.

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa cho biết, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ngành công thương thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng, cách thức tổ chức thực hiện. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận KHCN và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành công thương.

Thời gian qua, hoạt động KHCN ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực. Tiêu biểu là lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản với tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, việc triển khai các nhiệm vụ KHCN đã thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản

Tại hội thảo, bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, chủ trương và mục tiêu hướng tới của Việt Nam đó là đến năm 2030 sẽ trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy KHCN là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó vấn đề đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng, quyết định đến năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chương trình tái cơ cấu ngành công thương cũng đã đề ra mục tiêu là đóng góp, đưa đất nước trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN và nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đồng thời duy trì đóng góp vào GDP với tỷ trọng xấp xỉ 60%, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, có tính tự chủ để thực hiện công nghiệp hóa dựa trên các ngành công nghiệp nền tảng. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh, đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng.

Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã xây dựng các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Bao gồm: đổi mới các chính sách, cụ thể là khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư KHCN; thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; thúc đẩy xây dựng và triển khai các chương trình KHCN trọng điểm gắn với phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên, yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp.

Phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên các chương trình trong lĩnh vực như năng lượng, cơ khí chế tạo; chương trình KHCN gắn với phát triển theo chuỗi sản phẩm; tập trung triển khai mô hình kết nối viện - trường - doanh nghiệp trong triển khai nhiệm vụ, dự án KHCN, tập trung vào ứng dụng chuyển giao tại doanh nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho rằng, cần có chính sách/chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng ở trình độ phát triển, năng lực hấp thụ công nghệ khác nhau. Cụ thể, với nhóm đối tượng không có năng lực công nghệ, cần xây dựng một phần năng lực trong doanh nghiệp, từ đó khởi phát quá trình học hỏi và phát triển. Với doanh nghiệp công nghệ thì thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học để mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. 

Với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ tối thiểu, cần tăng cường sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho KHCN, cung cấp phương thức tăng cường năng lực nội bộ và kết nối thông tin bên ngoài cho nhóm đối tượng này. Đối với nhóm đối tượng có năng lực công nghệ cao, nên tăng cường khả năng tiếp cận các mạng lưới tri thức và các đơn vị cung cấp tri thức.

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, cần phải đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho KHCN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, cần có giải pháp xây dựng và triển khai các chương trình KHCN trọng điểm gắn với phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Gia Linh (T/H)