Sức khỏe

Nghiên cứu truyền tế bào gốc và huyết tương để điều trị bệnh nhân Covid-19

Thứ ba, 21/9/2021 | 10:49 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu hai phương pháp điều trị Covid-19 là truyền tế bào gốc và truyền huyết tương cho người nhiễm Covid-19 (F0).

Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu hai phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước đó, để góp phần giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19, GS. Nguyễn Thanh Liêm đã đề xuất 2 phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công. Đó là truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn cho bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để chặn "bão cytokine" và truyền huyết tương (plasma) của F0 đã khỏi bệnh cho F0 đang chuyển biến nặng.

Truyền huyết tương của F0 đã khỏi bệnh cho F0 đang chuyển biến nặng. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, GS. Liêm nhận định, phương pháp truyền tế bào gốc có khả năng làm tăng tỷ lệ sống gấp 2,5 lần ở bệnh nhân Covid-19 so với nhóm không truyền. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn. Nếu được nghiên cứu triển khai thì đây sẽ là một phương pháp hứa hẹn góp phần giảm thấp tỷ lệ tử vong.

Phương pháp truyền huyết tương không mới, đã được thế giới áp dụng trong nhiều đợt dịch và góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Theo ông Liêm, kết quả từ các nước có nền y học phát triển cho thấy, truyền huyết tương của F0 đã hồi phục giúp giảm tỷ lệ bị suy hô hấp, giảm tỷ lệ tử vong ở F0 khác.

Đáng chú ý, điều tạo nên hiệu quả của phương pháp này là truyền huyết tương cho bệnh nhân rất sớm (trong vòng 72 giờ từ khi có triệu chứng) và chỉ truyền huyết tương có nồng độ kháng thể chống lại virus cao. Người được truyền huyết tương đều từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền và không ai gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.

GS. Nguyễn Thanh Liêm cũng cho biết, nguyên tắc thu huyết tương từ người cho, tặng, tương tự việc hiến máu. Phương pháp này dễ thực hiện, chi phí thấp. Vì vậy, ông đề xuất Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sớm thành lập ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho F0 nguy cơ cao.

Tại Việt Nam, phương pháp truyền huyết tương chữa Covid-19 đã được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương triển khai từ tháng 8/2020 nhưng hiện rất ít bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng liệu pháp này.

Ngọc Mai (T/H)