Sức khỏe

"Chăm sóc F0 tại cộng đồng" giúp giảm đáng kể tỷ lệ ca tử vong

Thứ hai, 20/9/2021 | 12:03 GMT+7
Sáng kiến "Chăm sóc F0 tại cộng đồng" kết hợp song song giữa chăm sóc trực tuyến qua điện thoại online và cấp cứu ngoại viện từ Đại học Y Dược TPHCM đã thu được nhiều thành công sau thời gian ngắn triển khai.

Sáng kiến đã được triển khai thành công ở quận 8, quận 10 và hiện một số quận khác trên địa bàn TPHCM như Bình Tân đang tiếp cận để triển khai mô hình này.

Tại quận 8, mô hình trên được triển khai từ đầu tháng 8, đến nay đã giúp quận này không còn ca F0 nào tử vong tại nhà.

PGS. Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, phụ trách mô hình "chăm sóc F0 tại cộng đồng" tại quận 8 cho biết, quận thiết lập 131 tổ tư vấn theo mô hình "Chăm sóc F0 tại cộng đồng", mỗi tổ gồm 5 - 6 người nhận 60 F0 để chăm sóc từ xa.

Khi nhận thông tin ca dương tính, tổ tư vấn sẽ thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử về các F0. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền sẽ hỏi thăm liên tục. Những người không có nguy cơ thì vài ngày lại hỏi thăm, động viên.

Thăm hỏi thường xuyên F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền

Trường hợp nhân viên chăm sóc từ xa (đội 1) phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 tại nhà, họ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện (đội 2). Khi nhận được thông tin ca F0 oxy tụt, khó thở... từ đội 1, ngay lập tức đội 2 cho xe xuất phát đến nhà để đón F0 tới bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 sơ cấp cứu.

Bệnh nhân nhẹ được chăm sóc, xử lý tại khu sơ cấp cứu 20 giường của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1. Trường hợp nặng quá, không đáp ứng được tại đây thì chuyển đi tuyến điều trị cao hơn.

Theo bác sĩ Lê Phước Truyền, phụ trách đội 2 thuộc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1, mô hình này rất hữu ích. Các y bác sĩ, tình nguyện viên đánh giá, tư vấn quan điện thoại được tập huấn kỹ càng. Hàng ngày, đội cấp cứu ngoại viện đến đón bệnh nhân là cho thở oxy và cấp một số thuốc ngay. Khi đưa lên khu cấp cứu thì tùy tình trạng bệnh để cho thở HFNC, thở oxy mask...

Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sĩ gia đình; đồng thời phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá mô hình "Chăm sóc F0 tại cộng đồng" của Đại học Y Dược TPHCM có thể thực hiện được ở các địa bàn, nhất là khu vực có lượng F0 lớn đang theo dõi, điều trị tại nhà. Vừa song song quản lý F0 tại nhà vừa cấp cứu, xử lý kịp thời nhất các trường hợp cần can thiệp y tế cho thấy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách xã hội phương tiện cá nhân và công cộng bị giới hạn lưu thông. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đội tư vấn từ xa và đội cấp cứu ngoại viện đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc y tế của F0 tại nhà.

Trước đó, ngày 13/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tới thăm và động viên y bác sĩ của Đại học Y dược TPHCM triển khai mô hình này. Ông đánh giá cao mô hình vì đã kịp thời tư vấn, cấp cứu các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng khi đang thực hiện cách ly tại nhà và đề nghị các quận, huyện TPHCM cần nhân rộng mô hình này.

Mộc Trà (T/H)