|
Giám đốc HTX Rau quả Hồng Thái Lê Đức Trịnh chăm sóc măng tây. Ảnh: VGP/Công Trí
|
Về với ruộng đồng
Từ Hà Nội xuôi theo Quốc lộ 1A , qua Thường Tín, đến Phú Xuyên, rẽ trái vào bờ hữu sông Hồng, con đường đến xã Hồng Thái thu hút người ta bởi cảnh sắc đồng quê trù phú, càng ra gần sông Hồng, đất càng đậm màu phù sa. Xanh ngút tầm mắt là những vạt chuối, bưởi, quất cảnh, xen kẽ với những luống rau…
Theo chân Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau quả Hồng Thái, ông Lê Đức Trịnh, chúng tôi vào khu vườn có mái che mà ông bảo là cần phải rào dậu như thế để ngăn côn trùng độc hại xâm nhập. Hiện HTX có 3 nhà lưới có mái che bằng tấm nylon nhập từ Canada, chuyên trồng măng tây, dưa lưới. Đó là một nhà vườn rộng 1.200 m2 và liền kề là 2 nhà vườn khác rộng 3.600 m2.
Cách đó không xa là khu vườn cũ của HTX chuyên để thâm canh rau cải và cà rốt theo phương pháp hữu cơ. Ở đây, từ 5 năm trước, họ cũng đã trồng măng tây.
Ông Lê Đức Trịnh năm nay 59 tuổi, qua câu chuyện mới biết ông đã có một thời lăn lộn trong nghề xây dựng, rồi kinh doanh bất động sản rất thành công. Nhưng từ 5 năm về trước (năm 2013), ông bỏ nghiệp kinh doanh bất động sản để về làm nghề nông ngay trên mảnh đất cha sinh mẹ dưỡng, như ông nói là “trở về quê cha, đất tổ”!
Ông cho rằng làm nghề khác có thể kiếm tiền tốt hơn nghề nông nhưng không bền vững như nghề nông! Nghề nông, theo ông Trịnh sẽ là nghề mãi mãi nuôi sống con người, mà đồng đất quê ông thì hỏi có nơi nào tốt hơn được nữa? Dòng sông Cái (sông Hồng) ngoài kia mang phù sa từ nghìn đời nay đã bồi đắp nên châu thổ Bắc Bộ, nơi nuôi dưỡng người dân cần cù một nắng hai sương… và đến nay vẫn thế.
|
Khu vườn ươm măng tây của HTX Hồng Thái. Ảnh: VGP/Công Trí |
Nhưng ông Trịnh về với nghề nông trên một tâm thế khác. Đó là ý tưởng làm nông nghiệp công nghệ cao, bởi bây giờ cuộc sống đã lên tầm cao mới, ai cũng cần thực phẩm sạch, chất lượng cao nên làm nông nay phải đón được xu thế đó!
Trong câu chuyện trở lại nghề nông, ông Trịnh bảo mình không đơn độc. Chí ít thì ý tưởng của ông cũng được lãnh đạo từ huyện Phú Xuyên đến xã Hồng Thái tán đồng. Đó cũng là nguồn động lực để ông nhen lại động cơ "khởi nghiệp", gây dựng HTX và làm ăn theo Luật HTX mới.
Cũng vì vậy mà ông Trịnh thuyết phục được 14 hộ nông dân trong xã cùng “chung lưng đấu cật” để làm nên HTX rau quả hữu cơ-công nghệ cao này.
Để nắm chắc thành công, ông Trịnh đã sang Bắc Ninh, Bắc Giang học trồng rau hữu cơ; về Hải Dương học trồng cà rốt; lặn lội vào Lâm Đồng, Đà Lạt, Bình Thuận học cách trồng măng tây. Khao khát hiểu biết thêm kiến thức nông học còn đưa ông sang tận Nhật Bản để tìm hiểu và học hỏi thêm kỹ thuật trồng măng tây…
Làm nông nghiệp công nghệ cao
Sau 5 năm trở về với nghề nông, ông Trịnh cùng với bà con xã viên đã làm nên thương hiệu “Rau quả Hồng Thái” tại thị trường Hà Nội và sản phẩm tiêu thụ ổn định.
Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi nhận thấy rõ một điều là ông Giám đốc HTX Rau quả Hồng Thái đã dành nhiều tâm huyết cho cây măng tây.
Theo ông Trịnh, giống măng tây ông trồng ở vườn qua 5 năm đến nay đã thoái hóa, do giống nhập trôi nổi từ nhiều nguồn nên ông quyết trồng lại loại cây này với giống nhập từ Hà Lan. Công việc được Thành phố Hà Nội ủng hộ và tạo thuận lợi cho ông trong việc gây dựng quan hệ với đối tác để nhập giống mới.
|
Sản phẩm măng tây Hồng Thái. Ảnh: VGP/Công Trí |
Cây măng tây là cây thực phẩm quý, dinh dưỡng cao và thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Giá măng tây mà các bà nội trợ đang phải mua ở những siêu thị Hà Nội không dưới 400.000 đồng/kg. Vì thế, trồng măng tây là hướng đi kinh tế hiệu quả ông Trịnh đã chọn và chọn đúng được thời điểm.
Nhưng trồng măng tây cũng không hề dễ và không phải ai cũng làm được. Khu vườn măng tây của HTX Hồng Thái bây giờ, ngoài hệ thống nhà lưới che nắng, che mưa, chặn côn trùng còn phải nuôi dưỡng hệ đất hữu cơ 100% bằng phân bò khô ủ men sinh học. Vì vậy HTX đã phải chi đến 600 triệu đồng để mua 300 tấn phân hữu cơ về nuôi 3 ha măng tây. Ngoài ra, họ còn phải đầu tư, thiết kế một hệ thống tưới bảo đảm đất đủ độ ẩm thích hợp để măng tây sinh trưởng tốt.
Ông Trịnh chỉ cho chúng tôi xem hệ thống tưới nước tự động, từ bể chứa 1.000 m3 lấy nước sông Hồng trữ lại, để lắng phù sa rồi dẫn nước vào bể tưới trong vườn. Từ đây, một bộ xử lý sẽ tự động tích hợp các yếu tố như độ ẩm của đất, nhiệt độ ngoài trời… rồi nhận lệnh điều khiển qua điện thoại thông minh để nước tưới lan tỏa khắp các luống măng tây. Về mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời cao thì sẽ tưới phun mưa lên mái nhằm làm mát không khí trong vườn, sau đó nước theo máng chảy về nhỏ giọt tưới tới từng thân cây. Riêng khu vườn măng tây này, HTX đã phải đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng.
Ông Trịnh còn chỉ cho chúng tôi xem cây măng tươi đang nhô lên từ tầng đất hữu cơ và cho biết phần giá trị nhất của cây là phần nằm trong tầng đất. Măng tây có hai loại, cây xanh cho giá trị không cao bằng cây măng trắng. Một cây măng phải qua 3 tháng ươm và 4 tháng trồng, cả thảy là 7 tháng mới cho thu hoạch...
|
Ban Giám đốc HTX Rau quả Hồng Thái. Ảnh: VGP/Công Trí |
Sau khi thăm thú cơ ngơi của HTX Hồng Thái, trong ý niệm của chúng tôi hiện rõ thêm nhiều điều về mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.
Qua chân dung Giám đốc HTX Rau quả Hồng Thái Lê Đức Trịnh, chúng tôi ghi nhớ hình ảnh về một tầng lớp nông dân thời nay - ông chủ mới của ruộng đồng thời đại công nghiệp 4.0. Đó là lớp nông dân hiện đại, năng động, đủ trình độ để xử lý hiệu quả công việc làm ăn. Ở họ, không còn nhiều bóng dáng của những ông chủ nhiệm HTX “chân đất” năm nào!