Nông nghiệp sạch

Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận

Thứ hai, 11/10/2021 | 10:50 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thanh long Bình Thuận" với số đăng ký 110. Đây là thành quả sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản), hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý hai nước. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại. Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản - thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe.

Được biết, việc đăng ký các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được bảo hộ ở Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm (chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì ổn định trong ít nhất 25 năm).

Mới đây, Cổng thông tin của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông tin công bố về chỉ dẫn số 110 của Nhật Bản cấp cho sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Sản phẩm thanh long Bình Thuận được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì vậy, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, Bộ, ngành để thanh long Bình Thuận tiếp tục trụ vững được tại thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa vị thế của mình.

Trong đó phải kể đến việc nâng cao nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật như đã đăng ký. Bên cạnh đó, cũng cần đến sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội để đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long.

Hiện Thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được bảo hộ tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Trước đó, Nhật Bản cũng đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn.

Mộc Trà