Nông nghiệp sạch

Nhiều tiềm năng trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Algeria và Senegal

Thứ bảy, 14/8/2021 | 10:00 GMT+7
Là những nền kinh tế phát triển và nổi trội nhất khu vực châu Phi, Algeria và Senegal là hai thị trường nhập khẩu hàng hóa đầy tiềm năng của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger), Algeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Mặc dù chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế song nước này phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, trong đó có 50% là lương thực, thực phẩm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria năm 2020 đạt 150 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê (đạt 94 triệu USD), thủy sản, hạt tiêu, gạo, hạt điều...

Thị phần cà phê của Việt Nam thường duy trì ở mức cao nhất, chiếm trên 50%. Algeria là thị trường vẫn còn dư địa cho cà phê Việt Nam trong tương lai, cà phê vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta vào thị trường này. Ngoài cà phê nhân xô, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến, cà phê hòa tan có giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh cà phê, Algeria cũng có nhu cầu lớn đối với mặt hàng gạo do nước này không sản xuất lúa gạo, gần như được nhập khẩu 100%. Số lượng gạo nhập khẩu của Algeria khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm trên 1% trong cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này. Về chủng loại, gạo nhập khẩu chủ yếu là loại gạo trắng, hạt dài, 5% tấm và gạo đồ.

Thị trường Algeria vẫn còn triển vọng cho gạo Việt Nam do người dân đã quen với việc sử dụng gạo Việt. Mặt khác, lượng người lao động châu Á tại Algeria ngày càng đông, điều này góp phần làm tăng nhu cầu về gạo tại thị trường Algeria.

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết, cùng với gạo và cà phê, thủy hải sản cũng nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Algeria với trị giá từ 9 - 10 triệu USD/năm. Cá tra của Việt Nam được bán với giá khoảng 5 USD/kg, tương đương với cá chích - loại cá biển đánh bắt rẻ nhất của Algeria do vậy, hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao trong thị trường này. Bên cạnh đó, các mặt hàng hạt tiêu, quế, hạt điều cũng là mặt hàng thiết yếu, có triển vọng tăng kim ngạch trong thời gian tới.

Đối với thị trường Senegal, ông Hoàng Đức Nhuận nhận định, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng: gạo, hạt tiêu (6,4 triệu USD), bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (2,9 triệu USD), tinh bột sắn, thủy sản, rau quả…

Senegal là quốc gia Tây Phi có nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar là nơi trung chuyển hàng hóa trong tiểu vùng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 52,56 triệu USD (trong đó riêng gạo chiếm 32 triệu USD).

Gạo, cà phê và thủy hải sản có tiềm năng lớn trong xuất khẩu sang thị trường Algeria và Senegal

Với những tiềm năng đó, tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria và Senegal do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger) đồng tổ chức mới đây, các doanh nghiệp trong nước với đa dạng lĩnh vực, ngành hàng như nông sản (rau, củ, quả tươi, đông lạnh và sấy dẻo, hạt mắc ca), gia vị, thực phẩm (mì ăn liền, bột rau, rong biển, khô gà, muối vừng, bánh phồng tôm), đồ uống (chè, cà phê), thủy sản, hàng tiêu dùng (bột giặt, bát đĩa dùng một lần), quạt điện, mỹ phẩm, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm thép… đã tham gia và nêu nhiều vấn đề quan tâm để gia nhập thị trường này. Các băn khoăn về triển vọng thị trường, quy định và chứng từ nhập khẩu, thủ tục và phương thức thanh toán, hình thức giao nhận, vận tải hàng hóa, cách xác thực doanh nghiệp và sử dụng đại lý, môi giới kinh doanh tại Algeria và Senegal… đều đã được Tham tán Hoàng Đức Nhuận chia sẻ, giải đáp thấu đáo tại phiên làm việc.

Mặc dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng ông Hoàng Đức Nhuận cũng khuyến nghị một số điều khi các doanh nghiệp Việt mở rộng giao thương sang thị trường châu Phi. Cụ thể, thuế nhập khẩu ở một số nước châu Phi tương đối cao, tại Algeria thuế nhập khẩu vào nước này bình quân trên 30% và thêm thuế phòng vệ bổ sung, nhất là với những mặt hàng trong nước sản xuất được.

Khi xuất khẩu sang Algeria và Senegal cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia những chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp, cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi và bạn hàng quen thuộc.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu thị hiếu, văn hóa người tiêu dùng châu Phi, quan tâm đến giấy chứng nhận Halal (giấy chứng nhận xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Luật Hồi giáo và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất) vì các nước châu Phi chủ yếu theo đạo Hồi. Nhiều nước châu Phi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Ả-rập do đó doanh nghiệp Việt Nam cần ghi những thông tin trên nhãn mác bằng 2 thứ tiếng là tiếng Ả-rập và tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Khánh An (t/h)