Nông nghiệp sạch

Tìm đường ra cho nhãn và nông sản OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng

Thứ sáu, 30/7/2021 | 01:25 GMT+7
Ngày 29/7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức hội nghị trực tuyến về kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng năm 2021.

Hội nghị nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Được biết, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.300ha nhãn, sản lượng ước tính hơn 53.000 tấn/năm, riêng huyện Châu Thành có hơn 3.600ha. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.200ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn.

Bên cạnh nhãn, Đồng Tháp còn nhiều nông sản cần kết nối, tiêu thụ như khoai lang, xoài, chanh, ổi, quýt, mít, cá tra… Đồng thời, còn có 160 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 - 4 sao đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ.

Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước diễn biến của dịch bệnh, để những sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhất là sản phẩm OCOP, tỉnh nhận thấy cần thiết phải đưa lên các sàn thương mại điện tử, đây là kênh phân phối hiệu quả trong thời điểm giãn cách xã hội. Trong giai đoạn tới, phải thay đổi mẫu mã và hướng tới thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương để sản phẩm OCOP tiến xa hơn nữa.

Nhãn đang vào mùa thu hoạch ở Đồng Tháp

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 139 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao và nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản đang vào mùa thu hoạch. Cụ thể, địa phương có hơn 3.130ha diện tích đất trồng nhãn, với nhiều giống nhãn như: nhãn da bò, nhãn xuồng, nhãn Idor, thanh nhãn. Trong đó, nhãn xuồng thu hoạch tập trung trong tháng 7, 8 ước sản lượng khoảng 5.100 tấn, đã tiêu thụ được 3.500 tấn, còn lại 1.600 tấn dự kiến thu hoạch đến giữa tháng 8; thanh nhãn thu hoạch tập trung trong tháng 8, 9, ước tính sản lượng 1.750 tấn đã bắt đầu có thu hoạch rải rác; nhãn Idor thu hoạch tập trung trong tháng 10, 11 với sản lượng ước đạt 3.800 tấn; nhãn da bò canh tác rải vụ, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 3/2022 ước tính sản lượng lên đến 13.000 tấn.

Trong hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở hai địa phương cũng đã thông tin thêm về nhiều sản phẩm khác, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trên toàn quốc để tìm kiếm đầu ra, đẩy mạnh phân phối sản phẩm.

Tại điểm cầu Hà Nội, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ nông sản, các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này. Từ đó, các địa phương có thể đưa ra những kiến nghị với Tổ công tác của Bộ NN&PTNT để xử lý các vấn đề vướng mắc, đồng thời tạo cơ hội tổ chức triển lãm các sản phẩm OCOP sau dịch để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.

Khánh An (T/H)