Thời tiết thay đổi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Cụ thể, nhiệt độ chuyển đổi đột ngột, độ ẩm thấp vào mùa đông có thể làm khô đường mũi khiến người lớn, trẻ nhỏ dễ cảm lạnh, cúm theo mùa, cũng như mắc các bệnh đường hô hấp khác. Triệu chứng thường gặp ở mọi người, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu, gồm ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi...
Dưới đây là một số bí kíp góp phần phòng bệnh, ngăn ngừa ho do thay đổi thời tiết.
Ăn mặc phù hợp
Mặc nhiều lớp quần áo để thích nghi với nhiệt độ thay đổi trong mùa thu. Mặc quần áo ấm khi ra ngoài và cởi bớt lớp quần áo khi ở trong nhà để tránh toát mồ hôi, dẫn đến cảm lạnh.
Giữ đủ nước
Thời tiết mùa thu mát mẻ hơn khiến mọi người ít cảm thấy khát nước. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn nên đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Khuyến khích trẻ nhỏ uống nhiều nước, có thể thay nước lọc bằng nước cam, nước dừa hoặc nước ép trái cây để trẻ bớt nhàm chán. Giữ đủ nước giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, làm ẩm đường thở.
Ăn uống cân bằng
Một chế độ ăn uống cân bằng giàu vitamin và khoáng chất có thể làm tăng sức khỏe của hệ miễn dịch, từ đó tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Mọi người nên ưu tiên bổ sung trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc từ trứng, thịt gà, cá. Hạn chế các chất kích thích, đồ ăn uống chứa caffein vì dễ gây mất nước.
Rửa tay thường xuyên
Virus cảm lạnh và cúm có thể lây lan qua các bề mặt bị nhiễm bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây có thể giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng tốt hơn. Người trưởng thành nên ngủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm, trẻ nhỏ thường nhiều hơn tùy độ tuổi. Bạn nên tuân thủ thói quen không dùng đồ uống chứa caffein vào chiều tối, tránh ánh sáng xanh một giờ trước khi ngủ, không ăn no vào buổi tối. Chuẩn bị phòng ngủ sạch sẽ, vừa đủ sáng và không quá ồn để ngon giấc hơn.
Tập thể dục thường xuyên
Vận động mỗi ngày góp phần cải thiện tuần hoàn và chức năng miễn dịch, sức khỏe tổng thể của cơ thế. Nên tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần. Nếu thời tiết chuyển lạnh, thời gian tập phù hợp là vào buổi chiều, tối, khi nhiệt độ ấm. Hạn chế tập thể dục khi trời quá lạnh hoặc quá nóng có thể dẫn đến sốc nhiệt, dễ ốm.
Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
Virus cảm lạnh có thể lây lan qua hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Để phòng tránh bệnh, mọi người cần đeo khăn quàng cổ hoặc khẩu trang để bảo vệ hệ hô hấp khỏi không khí lạnh và các loại virus tiềm ẩn khi đến nơi đông người. Thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, công tắc đèn và mặt bàn bếp để phòng virus lây lan.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc cảm lạnh. Thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng như hít thở sâu, thiền hoặc tham gia hoạt động vui chơi, trò chuyện, nghe nhạc đọc sách có công dụng giúp tâm trạng thoải mái, giảm khả năng mắc bệnh.