Sức khỏe

Những loại thực phẩm nên ăn cả vỏ mới tốt

Thứ hai, 19/10/2020 | 16:33 GMT+7
Nhiều người có thói quen loại bỏ vỏ các loại củ quả vì vấn đề vệ sinh. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm lại có phần vỏ cực kỳ bổ dưỡng, thậm chí còn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn phần thịt quả.

Khoai tây, khoai lang

Lớp vỏ mỏng manh của khoai tây chứa rất nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng như vitamin B, khoáng chất vi lượng... Những chất này giúp tăng khả năng hỗ trợ đường ruột, dịch chiết từ vỏ khoai tây có tác dụng như một loại kháng sinh giúp ngăn ngừa vi khuẩn bám vào tế bào, bước đầu tiên của quá trình nhiễm trùng.

Vỏ khoai lang cũng chứa nhều chất giống như vỏ khoai tây. Theo quan niệm của người Nhật, ăn khoai lang cả vỏ sẽ ngăn ngừa được ung thư đại tràng. Do vậy, chỉ cần rửa thật sạch đất cát và tạp chất, rồi đem chế biến là phương pháp được các chuyên gia khuyên làm.

Nho

Vỏ nho chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là resveratrol – chất chống lão hóa và giảm nguy cơ đột biến tế bào trong cơ thể. Resveratrol được tìm thấy nhiều trong rượu vang được ủ từ nho. Tuy nhiên, nhiều người không thích ăn vỏ nho và thường có thói quen lột vỏ trước khi ăn.

Hạt lạc

Vỏ hạt lạc có màu hồng, đỏ nhạt. Vì khi ăn không có mùi, cũng không có vị, mà lại có cảm giác khá nhám trong miệng nên nhiều người thường loại bỏ vỏ lạc trước khi ăn. 

Trên thực tế, chất cellulose có nhiều trong vỏ hạt lạc lại rất hữu ích cho dạ dày. Chúng có thể thúc đẩy nhu động dạ dày, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn, từ đó làm giảm nguy cơ táo bón. Ngoài ra, lớp vỏ này còn chứa protein, resveratrol, tannin và polyphenol. Hàm lượng resveratrol trong vỏ hạt lạc thậm chí còn cao gấp vài lần rượu vang vì vậy đừng vứt bỏ lớp vỏ này khi ăn lạc.

Cà rốt

Cà rốt giàu đường và các loại vitamin cũng như năng lượng. Các dạng đường thường tập trung ở lớp vỏ và thịt nạc của củ, phần lõi rất ít. Vì vậy, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cà rốt chín là ở lớp vỏ dày của nó.

Cà rốt là một thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, loại củ này chứa nước, protid, glucid, cellulose, chất tro, và nhiều loại muối khoáng như kali, canxi, sắt, phốt pho, đồng, bor, brom, mangan, magnesium, molipden. Đặc biệt, vỏ cà rốt có nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B. Ngoài ra, vỏ loại củ này còn chứa nhiều carotene hơn cả cà chua. Sau khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hoá dần thành vitamin A.

Củ cải trắng

Củ cải được biết đến như một bài thuốc hỗ trợ lợi tiểu, thích hợp cho người bị cao huyết áp và mỡ máu. Theo các chuyên gia, khi ăn củ cải tốt nhất không nên bỏ vỏ khi nấu, bởi phần vỏ của nó cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin và kali rất tốt cho cơ thể con người.

Hơn nữa, lớp vỏ củ cải trắng chứa hàm lượng canxi cao hơn phần thịt củ nên nó có tác dụng chống còi xương cho trẻ em và giảm loãng xương ở người già. Vì vậy, sẽ thật lãng phí khi loại bỏ phần vỏ của loại củ này.

Cà tím

Vỏ cà tím rất giàu vitamin P, rất hữu ích cho những người bị mỡ máu cao. Ngoài ra, chất này có thể làm tăng tính đàn hồi của các mao mạch do đó cải thiện vi tuần hoàn.

Lớp vỏ bóng bẩy của cà tím thường bị loại bỏ, nhất là khi chế biến món nướng. Nếu không muốn bỏ lỡ nasunin, một chất chống oxy hóa mạnh chống tổn thương tế bào gây ra bởi lão hóa, bạn nên giữ lại phần vỏ để thu được hết nguồn lợi dinh dưỡng từ loại thực phẩm này.
 

Khánh An