Sức khỏe

Phòng tránh những bệnh thường gặp mùa mưa bão

Thứ sáu, 16/10/2020 | 14:37 GMT+7
Tình trạng mưa kéo dài với lưu lượng lớn hiện đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố, mưa ẩm ướt dẫn đến một số dịch bệnh, phiền toái trong cuộc sống.

Mùa mưa khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây hại cho sức khỏe con người phát triển. Cụ thể, nước không sạch sẽ khiến con người mắc phải các bệnh về tiêu hóa, về da, cảm sốt và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Cảm cúm

Những ngày trời mưa to kèm gió rét rất dễ khiến sức đề kháng của con người suy giảm, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. Nếu cứ tiếp tục mặc quần áo ẩm khi đi mưa về trong thời gian dài, cơ thể sẽ bị ngấm nước mưa và sinh bệnh.

Tay, chân, mặt là những vị trí bạn rất hay bị ướt, đây cũng là những nơi tập trung rất nhiều các đầu mối dây thần kinh của cơ thể nên bạn không được chủ quan. Khi cơ thể liên tục bị mất nhiệt, nếu gặp thêm các tác nhân như virus, vi khuẩn, nấm mốc... thì nguy cơ mắc bệnh dị ứng, cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng hay viêm phế quản xảy ra rất cao.

Do vậy, khi đi mưa về nên nhanh chóng thay quần áo ướt và lau thật khô người (nếu có thể, hãy tắm bằng nước ấm). Bên cạnh đó, bạn nên uống một cốc nước ấm, như nước lọc hay các loại trà ấm như trà gừng mật ong, trà xanh hay một cốc sữa ấm để giúp cơ thể cân bằng lại nhiệt. Ngoài ra, các món ăn, soup ấm như phở, canh… sẽ rất phù hợp trong thời điểm vừa đi mưa về.

Trong trường hợp bị cảm lạnh (đau đầu, mệt mỏi, ngạt mũi, đau họng, hắt hơi), bạn nên uống nước gừng, xông tinh dầu sả, hương nhu hay bạc hà kết hợp với các món ăn như cháo hành, tía tô nóng... Đừng quên uống nhiều nước và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để nhanh khỏi bệnh, ngừa viêm nhiễm và lây lan cho người bên cạnh.

Bệnh đau mắt đỏ

Mưa bão, điều kiện vệ sinh suy giảm, nước sinh hoạt không được đảm bảo sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đau mắt đỏ, viêm kết mạc cấp tính là do virus adenovirus hay do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.

Bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện vào bất kì một thời điểm nào trong năm nhưng sẽ diễn ra thường xuyên nhất vào lúc giao mùa, đặc biệt là khi có mưa lũ xảy ra.

Dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ là mắt bị cộm, cảm giác sạn như có cát bên trong. Khi ngủ dậy sẽ có nhiều gỉ mắt, 2 mí bị dính chặt và bị sưng mọng lên. Nếu bị viêm kết mạc cấp do virus thì người bệnh có thể bị nổi hạch ở phía trước tai và sưng, đau.

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn của người mang bệnh như nước bọt, nước mắt, nước mũi... thông qua các hoạt động như nói chuyện, bắt tay, ôm hôn, hoặc chạm vào những bề mặt có dính nguồn bệnh (khăn mặt, bàn chải đánh răng, điện thoại, tay nắm cửa…).

Nếu như chẳng may tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, người dân nên chủ động sử dụng thuốc nhỏ mắt Cloroxit 0.4% để chống nhiễm khuẩn. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi đi ở ngoài trời về hay tiếp xúc với các bề mặt ở nơi công cộng, không dùng chung khăn mặt. Rửa mắt, mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý.

Thanh Tâm (t/h)