Sức khỏe

Những lưu ý khi giữ ấm ngày lạnh

Thứ hai, 18/1/2021 | 17:40 GMT+7
Thời tiết thay đổi nhiệt độ giảm đột ngột khiến bệnh nhân nhập viện do viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ gia tăng. Dưới đây là một số lưu ý khi giữ ấm để phòng bệnh hiệu quả.

Đảm bảo phòng ở vừa ấm áp vừa thông thoáng

Do sợ lạnh, nhiều người có thói quen đóng kín cửa hoặc sử dụng rèm dày để ngăn gió và không khí lạnh xâm nhập. Tuy nhiên, việc này đôi khi lại phản tác dụng khiến cho căn nhà không có sự lưu thông không khí, tạo môi trường thích hợp cho sản sinh vi khuẩn gây bệnh và ô nhiễm không khí.

Khi ở trong nhà, bạn nên duy trì nhiệt độ phòng 25 - 28 độ C, thông thoáng nhưng tránh có gió lùa. Không nên để nhiệt độ phòng quá ấm, bởi dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời lạnh. Điều này làm tăng nguy cơ tê buốt, máu khó lưu thông, thậm chí gây hạ thân nhiệt, đột quỵ.

Trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp, có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO có thể gây độc, ngạt thở.

Mặt khác, mùi hương được chứng minh là có tác dụng trong việc làm ấm căn nhà. Nến thơm, sáp thơm, nước hoa, đặc biệt là tinh dầu rất có ích trong việc tạo ra cảm giác ấm áp cho căn phòng. Tuy nhiên, nhiều người đang mắc sai lầm khi xông tinh dầu hoặc sử dụng các chất tạo mùi hương nhưng lại đóng kín cửa.

Thực tế, tinh dầu khi đốt sẽ khuếch tán trong không khí, lượng đến mũi là không quá nhiều nên ít gây độc. Trường hợp đóng kín cửa sẽ khiến tinh dầu tích tụ một lượng lớn trong không gian nhỏ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mũi và cơ quan thần kinh của con người trong thời gian dài. Vì vậy, bạn có thể sử dụng tinh dầu để làm thơm phòng, ấm phòng nhưng không nên quá lạm dụng thường xuyên và tránh dùng với liều lượng lớn. Ngoài ra, khi sử dụng tinh dầu hoặc các chất tạo mùi hương nên mở thoáng cửa.

Mặc trang phục tránh rét không phù hợp

Theo các chuyên gia, nguyên tắc của việc mặc giữ ấm là không mặc quần áo quá dày mà nên mặc nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Một chiếc áo dày chưa chắc đã giữ ấm tốt cho bạn, nhất là trong những ngày trời quá lạnh hay có nhiều gió, trong khi đó, nhiều lớp quần áo mỏng giúp tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt cho cơ thể và hạn chế mất nhiệt ra ngoài môi trường. Trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết.

Thông thường, lớp áo trong cùng là lớp quan trọng nhất, tạo lớp giữ nhiệt đầu tiên cho cơ thể. Do vậy, bạn nên chọn quần áo vừa khít với cơ thể, mềm mại, thoải mái. Lớp áo tiếp theo là lớp cách nhiệt, giữ ấm. Còn lớp ngoài cùng nên là lớp tránh gió, nước.

Tùy theo tình trạng thời tiết, nhiệt độ để mặc bao nhiêu lớp áo. Không nên mặc quá dày để tránh đổ mồ hôi, làm giảm thân nhiệt hoặc khó thở.

Lưu ý khi tắm vào ngày lạnh

Tắm đúng cách khi trời lạnh là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Cách tắm đúng là tắm từ dưới lên trên và gội đầu thật nhanh sau khi tắm. Đối với trẻ nhỏ, không nhất thiết phải tắm hàng ngày, có thể để hai đến ba ngày tắm một lần và mỗi lần không quá 10 phút.

Nhiều người có thói quen tắm nước nóng vào mùa đông, càng nóng càng thích. Tuy nhiên, điều này có thể gây nở lỗ chân lông, giãn huyết quản, khiến da bị mất nước, khô, nứt nẻ sau khi tắm xong. Tỷ lệ nước được khuyên dùng là 2 lạnh, 1 nóng. Với trẻ nhỏ, nhiệt độ nước nên bằng với nhiệt độ cơ thể 36 - 37 độ C.

Lưu ý, không nên tắm nhiều xà phòng vào mùa lạnh. Làn da vào mùa đông dễ nhạy cảm nên việc tắm nhiều xà phòng khiến da bị tổn thương, dẫn đến mẩn ngứa, dị ứng. Khi chọn mua xà phòng tắm, bạn nên chú ý đến thành phần, đặc biệt nên tránh xa loại có chứa cồn vì nó sẽ làm khô da. Ngoài ra, sữa tắm có chất giữ ẩm sâu là lựa chọn phù hợp.

Không nên tắm hoặc ngâm mình quá lâu trong nước nóng. Không tắm lúc muộn hoặc sáng sớm dễ dẫn đến đột quỵ.

Không để bụng đói khi ra ngoài trời

Để sản sinh ra nhiệt, cơ thể cần năng lượng. Đó là lý do tại sao bạn cần ăn ngay khi cơn đói xuất hiện. Ít nhất, bạn nên dùng bữa ăn nhẹ và một tách trà để tăng năng lượng, sinh nhiệt cho cơ thể giữ ấm vào mùa đông.

Trà nóng có tác dụng làm tăng lưu thông máu và cải thiện cơ chế miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng làm cho các mạch máu bị giãn nở. Nếu bạn uống trà nóng trước khi đi ra ngoài khi thời tiết lạnh, cơ thể bạn có thể bị mất nhiệt nhanh hơn. Vì vậy, bạn nên uống nước ở nhiệt độ ấm vừa phải.

Nhiều người thường có thói quen làm ấm cơ thể bằng cách uống rượu khi đang ở ngoài trời lạnh. Bạn sẽ cảm thấy ấm áp ngay tức thì trong 30 - 40 phút sau khi uống rượu. Sau thời điểm này, cơ thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt nhất nhanh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo uống rượu rất có hại đối với sức khỏe.

Gia Linh