Sức khỏe

Phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc

Thứ bảy, 10/7/2021 | 16:34 GMT+7
Ngày 10/7, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện Chiến lược vaccine, tập trung vào các nội dung chính bao gồm: nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước. Mục tiêu của chiến lược là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dù nguồn vaccine khan hiếm trên quy mô toàn cầu nhưng với nỗ lực lớn nên trong năm 2021, Việt Nam có được 105 triệu liều vaccine và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7 này, sẽ có hơn 9 triệu liều vaccine sẽ về đến Việt Nam.

Chiến dịch tiêm chủng này sẽ được các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai trên quan điểm "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai". Chiến dịch dự kiến kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm thay đổi so với hoạt động tiêm chủng toàn quốc trước đây. Việt Nam đã thiết lập hệ thống bảo quản mới do quân đội phụ trách, đảm bảo tiêu chuẩn GSP và vận chuyển vaccine nhanh nhất. Số lượng lớn nhân sự được huy động để tổ chức tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng cố định và di động được tổ chức dựa trên mạng lưới hệ thống y tế cơ sở sẵn có, như vậy giúp tăng tiến độ bao phủ vaccine. Người đến tiêm cũng được đảm bảo an toàn tối đa nhờ khám sàng lọc, theo dõi chặt sức khỏe sau tiêm tại toàn tuyến y tế, các chuyên gia đầu ngành về điều trị và dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả điểm tiêm.

Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn chuyên môn theo hướng đảm bảo cho người tiêm, phối hợp cùng các bên liên quan đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý tiêm chủng thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, cấp QR code cho người đã tiêm làm căn cứ thành lập hộ chiếu vaccine sau này. Xây dựng ứng dụng tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19. Thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng độc lập.

Trong buổi phát động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng cho biết, Hà Nội có khoảng 8,3 triệu dân và 600.000 người dân từ tỉnh khác đến, trong đó khoảng 200.000 sinh viên đang học từ xa. Do đó, số lượng cần tiêm tạm tính trên địa bàn khoảng trên 5,1 triệu người, từ 16 - 65 tuổi cần tiêm, số này tính theo nghị quyết 21. Thành phố cũng đồng thời mở rộng tiêm chủng ra đối tượng khác, chia làm 10 nhóm ưu tiên đảm bảo minh bạch tiêm vaccine.

Hà Nội đã ban hành phương án triển khai tiêm trên toàn địa bàn, chia kịch bản tiêm theo module, gồm 50.000 liều, 100.000 liều, có thể đạt tối đa 200.000 người một module; 824 điểm tiêm chủng cả cố định và di động, 1.200 dây chuyền tiêm chủng, mỗi dây chuyền tiêm khoảng 200 người/ngày; 100 tổ cấp cứu di động đảm bảo cấp cứu. Bên cạnh đó, giới chức cũng sẽ huy động các nhân viên y tế từ các trường y, bác sĩ nghỉ hưu để đảm bảo sẵn sàng tiêm chủng trên địa bàn thành phố và tổ chức kho chứa để có thể tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều vaccine.

Ngay sau lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để đề nghị các tổ chức trên tạo thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vaccine.

Theo đó, đại diện Liên Hợp Quốc và các nước đều nhất trí cao và cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, viện trợ, cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới, giúp Việt Nam vượt qua dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Ngọc Mai (T/H)