Nông nghiệp sạch

Phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp

Thứ tư, 22/12/2021 | 10:47 GMT+7
Ngày 21/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT Lương Văn Anh cho biết, đến năm 2020, diện tích cây trồng được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 529.000ha (vượt 6% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra).

Diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước tăng đáng kể qua các năm. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm đạt khoảng 115.000ha, đến cuối năm 2016 tăng lên 150.000ha, cuối năm 2017 khoảng 270.000ha. Đặc biệt, đến năm 2020 đạt 529.000ha.

Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mạnh mẽ gồm Đông Nam Bộ với trên 181.000ha, Tây Nguyên trên 142.000ha, đồng bằng sông Cửu Long hơn 111.700ha, Nam Trung Bộ trên 44.000ha, vùng thấp nhất là Bắc Trung Bộ với hơn 9.000ha.

Ông Lương Văn Anh cho biết thêm, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. Theo đó, tùy từng loại cây trồng, địa phương, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 - 50%. Giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc từ 10 - 90%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 - 60%; góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 - 30%, thu nhập của người dân từ 10 - 50%.

Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đem lại nhiều lợi ích cho canh tác nông nghiệp

Song song với tăng hiệu suất cây trồng, mô hình tưới tiêu thông minh còn giúp tiết kiệm tài nguyên (nước và đất) so với tưới truyền thống từ 10 - 80%; giảm tỷ lệ đất hoang hóa ở địa phương từ 5 - 100%. Đặc biệt, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp giảm mức độ thiếu nước, thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 - 80%; giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón (từ 5 - 40%) trong quá trình canh tác.

Về hiệu quả trong xây dựng, phát triển bền vững nông thôn mới, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cùng với các giải pháp công nghệ về giống, phân bón, tự động hóa… góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đáng kể diện mạo, phát triển nông thôn mới…

Về định hướng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn giai đoạn 2021 - 2025, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Mục tiêu của Tổng cục là đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000 - 800.000ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn được tưới).

Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ chỉ đạo các cơ quan tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng quy hoạch thủy lợi vùng, tỉnh sau khi Quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 được phê duyệt. Gắn phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo lợi thế vùng, miền, tập trung vào các nhóm cây chủ lực như cây ăn quả (cam, bưởi, thanh long, xoài, chuối, dứa, sầu riêng, bơ, chôm chôm, mãng cầu), cây công nghiệp lâu năm (cà phê, hồ tiêu), cây công nghiệp hàng năm (mía, lạc, hành, tỏi), rau, hoa…

Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ lập, thiết kế dự án gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Phát biểu tại buổi tổng kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận xét, trong 5 năm qua, Bộ đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhưng khả năng thực hiện, triển khai thực hiện chưa được nhiều, rất ít địa phương đầu tư kinh phí cho việc này, dẫn tới thiếu nguồn lực, có những nơi đủ nguồn lực thì triển khai chưa bài bản.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Thủy lợi cần quyết liệt triển khai các giải pháp, không thể dừng lại ở việc tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình, mà phải đi vào thực tế một cách thực sự, không dừng ở việc hô khẩu hiệu.

Xây dựng định hướng, kế hoạch để áp dụng chương trình cho tất cả các cây trồng, không chỉ dừng ở cây trồng cạn. Khi áp dụng những công nghệ mới trên thế giới, cần nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không, tránh trường hợp rập khuôn máy móc vì điều kiện tự nhiên của mỗi nước có sự khác nhau. Tập trung ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức trong triển khai thực hiện…

Mộc Trà