Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch nông nghiệp ở Đà Nẵng

Thứ ba, 9/3/2021 | 16:39 GMT+7
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư, lãnh đạo các quận huyện liên quan đến nhiều kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cộng đồng trên địa bàn.

Du lịch nông nghiệp cộng đồng tại Đà Nẵng

Cụ thể, buổi làm việc tập trung thảo luận xung quanh các nội dung như: đề xuất các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng (bao gồm các sản phẩm OCOP) tại các địa phương.

Tại đây, lãnh đạo các quận huyện trên địa bàn thành phố cũng đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn; cách thức tổ chức, khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; lộ trình, tiến độ triển khai…

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thời gian qua Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai khảo sát tài nguyên du lịch trên địa bàn thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, thành phố vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cộng đồng. Sở Du lịch cũng gợi mở định hướng trong thời gian tới nhằm phát triển du lịch cộng đồng (huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn); du lịch nông nghiệp (huyện Hòa Vang).

Theo báo cáo thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX) gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2019, cả nước có 34.348 trang trại nông nghiệp; dự kiến đến 31/12/2020 cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX nông nghiệp.

Mặc dù số lượng trang trại nông nghiệp và HTX nông nghiệp không ngừng tăng theo từng năm tuy nhiên, chỉ có từ 3 - 5% trong số đó ngoài sản xuất nông nghiệp còn kết hợp thêm các hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn và đa số các trang trại loại này không có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm.

Theo các chuyên gia, để xây dựng du lịch nông nghiệp thành những điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các địa phương và các cơ sở kinh doanh cần đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo tính bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo quy chuẩn, tạo sự kết nối giữa các điểm, thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá…

Mỹ Dung